Print

Nỗ lực giảm nghèo ở Nam Á

Thứ Sáu, 14 /01/2022 10:18

Hơn 33% người sống trong tình trạng nghèo cùng cực trên toàn cầu cư trú ở Nam Á.

Trong đó, các quốc gia nghèo nhất trong khu vực là Afghanistan, Nepal và Pakistan có tỷ lệ GDP bình quân đầu người là 544 USD, 972 USD và 1.555 USD. Đối với nhiều quốc gia ở Nam Á, Covid-19 còn khiến hàng triệu người dân tái nghèo.

Tiến trình tiền đại dịch

Trước đại dịch Covid-19, các quốc gia Nam Á đã đạt được “tiến bộ đáng kể” trong việc hỗ trợ các cộng đồng thoát khỏi đói nghèo. Từ năm 1990 đến năm 2015, tỷ lệ nghèo đói khu vực đã giảm từ 52% xuống còn 17%. Ngân hàng Phát triển Châu Á (The Asian Development Bank, ADB) dự đoán, các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Đông Nam Á sẽ phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch, tăng lên 5,1% vào năm 2022 từ 4,4% vào năm 2021, giúp giảm nghèo ở Nam Á.

Có nhiều lý do khiến các quốc gia Nam Á có mức độ nghèo đói cao và tỷ lệ GDP thấp. Theo The Conversation, nguyên nhân do các Chính phủ không phân bổ đủ nguồn lực của Nhà nước cho phát triển xã hội. Ngoài ra, còn nhiều hạn chế trong cung cấp các dịch vụ công cho cộng đồng, nhất là y tế, giáo dục và thực hiện các chính sách giảm nghèo.

Hơn nữa, đầu tư của các Chính phủ để cải thiện dịch vụ công chưa hiệu quả, ví dụ, nếu chính sách thuế hiệu quả hơn, cùng với tăng khả năng cung cấp vắc-xin cho dịch vụ y tế địa phương, nền kinh tế của quốc gia sẽ cải thiện và giúp giảm thiểu mức độ nghèo đói. Thực tế cho thấy, các quốc gia có năng lực điều hành Nhà nước cao hơn đều kiểm soát sự lây lan của Covid-19 và giảm tỷ lệ tử vong tương đối tốt hơn.

Chiến lược của Ngân hàng Thế giới (WB)

Nam Á trước và trong đại dịch Covid-19 là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai thế giới. Theo Biên niên sử của LHQ, Ấn Độ, Bangladesh và Nepal đã giảm tỷ lệ nghèo xuống 7%, 9% và 11% trong những năm 1990. Ấn Độ là nền kinh tế lớn nhất Nam Á, dự kiến có thể tăng trưởng 8,3% trong năm tài chính 2021-2022 với hỗ trợ từ đầu tư công và các ưu đãi để thúc đẩy sản xuất.

Các tổ chức quốc tế cũng đã hỗ trợ các quốc gia Nam Á trong thời kỳ đại dịch nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19 và hạn chế số người rơi xuống mức đói nghèo. WB tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững, đầu tư vào con người và tăng cường khả năng phục hồi ở Nam Á. Đồng thời, viện trợ 922 triệu USD để mua và triển khai tiêm phòng vắc-xin Covid-19 ở Afghanistan, Bangladesh, Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Tại Pakistan, WB hỗ trợ tài chính để tăng chế độ dinh dưỡng cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất; thực hiện các chính sách để giúp trẻ em đi học trở lại. Tại Sri Lanka, thực hiện dự án hỗ trợ bệnh viện thành trung tâm ứng phó đại dịch. Tại Nepal, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, phân bổ 80 triệu USD để tăng cường liên kết thị trường nông thôn và thúc đẩy khởi nghiệp.

Như vậy, các nỗ lực quốc tế là một nguồn lực quan trọng để giúp giảm nghèo ở Nam Á. Nếu các nhà hoạch định chính sách phân bổ nguồn lực cho nhiều chương trình, dự án giúp duy trì nền kinh tế đang phát triển của họ và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19, Nam Á có thể có cơ hội tốt hơn để tránh đói nghèo.

Tùng Anh (Theo Makena Roberts)