Print

Indonesia: Đổi rác thải nhựa lấy gạo ở Bali

Thứ Ba, 18 /01/2022 10:53

Khi đại dịch Covid-19 hạn chế sự kết nối giữa con người với nhau, làm gián đoạn cuộc sống thường ngày, thì sự đoàn kết và lòng trắc ẩn trở nên quý giá hơn bao giờ hết.

Kể từ khi xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 vào tháng 2/2020, đến nay, Indonesia đã ghi nhận hơn 4 triệu trường hợp ca nhiễm và hơn 140.000 trường hợp tử vong. Tại Bali, sự bùng phát Covid-19 đã thiệt hại cho nền kinh tế của địa phương, lượng du khách nước ngoài giảm sút, dẫn đến nạn đói gia tăng.

Du lịch là một khía cạnh quan trọng đối với Bali, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Trước đại dịch Covid-19, Bali đón hơn 6 triệu lượt khách mỗi năm. Trong đại dịch, khách du lịch không thể đến thăm Bali, làm địa phương thiệt hại kinh tế, nạn đói gia tăng. Khoảng 92.000 người làm việc trong ngành du lịch bị ngưng việc, mất việc trong thời kỳ đại dịch, hầu như không có bất cứ nguồn thu nhập nào để hỗ trợ gia đình của họ. Với sự mất thu nhập hoàn toàn này, nhiều nhân lực du lịch phải chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp để kiếm sống, mặc dù tiền công đôi khi chỉ nhận được 4 USD một ngày, không đủ để mua một thùng gạo.

Chủ nhà hàng thuần chay Made Janur Yasa chứng kiến hoàn cảnh nghiệt ngã của những người thất nghiệp ở quê nhà Ubud. Anh muốn chia sẻ một phần tài chính để hỗ trợ họ nhưng mong muốn có thể tạo ra nguồn quỹ từ thiện ổn định, bền vững nhất có thể: "Tôi nghĩ, bên trong thách thức, thế nào cũng có cơ hội. Vì vậy, tôi nảy ra sáng kiến Plastic Exchange (Trao đổi rác thải nhựa). Với sáng kiến này, chúng tôi không chỉ đơn thuần hỗ trợ cho cá nhân, hộ gia đình không đủ tiền mua gạo mà còn khuyến khích người tham gia sáng kiến đi đến các khu vực công cộng, công viên, bãi biển… để thu gom rác thải nhựa.

Sáng kiến Plastic Exchange đề cao 3 giá trị cốt lõi: Nhân phẩm, Thịnh vượng và Môi trường. Trong đó, nhân phẩm là điều quan trọng nhất, đó là dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào, con người cũng phải duy trì ý thức về giá trị bản thân. Giá trị cốt lõi thứ hai là Thịnh vượng, gắn liền với giá trị thứ nhất, vì con người không thể phát triển trong môi trường của họ nếu những nhu cầu cơ bản nhất của họ không được đáp ứng. Cuối cùng, bảo vệ môi trường là điều Sáng kiến hướng tới nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc chăm sóc hành tinh Trái đất, đồng thời, nhắc lại rằng sự bền vững có thể đạt được trong hoàn cảnh khắc nghiệt”.

Theo một báo cáo từ Bali Tribune, sáng kiến Plastic Exchange đã thu được hơn 500 tấn rác thải nhựa; trong đó, “điểm sáng” là vào tháng 8/2021, Sáng kiến khi áp dụng ở làng Saba đã thu thập được tới 2 tấn nhựa chỉ trong 2 giờ đồng hồ. Kết quả tích cực từ các chương trình trao đổi rác thải nhựa thuộc Sáng kiến đã truyền cảm hứng cho người dân Indonesia trên quy mô lớn bởi họ nhận thấy thu được nhiều lợi ích. Nguồn lợi từ tái chế rác thải nhựa. Nông dân, chủ trang trại trồng lúa có thu nhập ổn định hơn nhờ sản xuất, bán gạo. Người dân trên đảo có thể mua gạo nuôi sống bản thân, gia đình bằng công sức lao động của mình. Tỷ lệ thiếu đói ở Bali đã và đang giảm. Trao đổi rác thải nhựa là một giải pháp đầy hứa hẹn để góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Plastic Exchange còn có một liên kết PayPal để quyên góp tiền từ thiện. Ví dụ, một khoản đóng góp 50 USD có thể mua được 50kg gạo, giúp nuôi sống 200 người mỗi ngày.

Tùng Anh (Theo Maia Nuñeza)