Print

Gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng cần ưu tiên cho DN sử dụng nhiều lao động

Thứ Sáu, 07 /01/2022 12:50

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 7/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Nghịch lý thị trường lao động

Thảo luận tại hội trường, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ- Bắc Kạn cho rằng, dịch bệnh đã để lại những hậu quả rất nặng nề với nền kinh tế, nhất là vấn đề lao động, việc làm. Cụ thể, tình trạng mất việc, giảm, giãn việc làm. Chỉ tính riêng Quý 3, cả nước có hơn 28 triệu NLĐ phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Cùng với đó, biến thể Delta đã “cuốn đi” khoảng 1/4 mức lương hằng tháng của NLĐ ở miền Đông Nam bộ, trong khi đó lương của NLĐ vốn đã không dư dả gì thì nay lại càng khó khăn hơn. Thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động và cầu lao động bị thu hẹp. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã khiến cho 1,3 triệu lao động phải dịch chuyển về quê dẫn tới đứt gãy thị trường lao động, thiết hụt lao động tại các tỉnh phía Nam nhất là những nơi tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong khi đó, nhiều tỉnh có lao động trở về đang phải chịu áp lực rất lớn về giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. “Và điều này tạo ra nghịch lý về cung cầu lao động. Nơi cần lao động thì không có, nơi có lao động thì rất khó có việc làm”- ĐB Thuỷ nói.

Cũng theo ĐB Thủy, dịch bệnh đã xuất hiện những nhóm lao động bị tổn thương. Lao động làm công việc giản đơn trở nên yếu thế trong đại dịch; tỷ lệ mất việc của nhóm này cao gần gấp đôi so với các nhóm khác. Tính bền vững của quan hệ lao động đang có nguy cơ bị xâm phạm. Do mất việc, nhiều lao động ở khu vực chính thức có xu hướng tìm việc ở khu vực phi chính thức dẫn tới lao động tự do tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây (chiếm 57% lao động có việc làm). Điều này dẫn tới một lượng lớn lao động đang có việc làm nhưng không ổn định, thiếu tính bền vững. Trong đó những chính sách an sinh, BHXH, chế độ ốm đau, thai sản ở khu vực này rất hạn chế. Nhiều quan hệ lao động đã được xây dựng ổn định qua các năm có nguy cơ bị phá vỡ. Mặt khác, qua đại dịch đã bộc lộ những hạn chế trong quản lý thị trường lao động thời công nghệ. Nhiều NLĐ và người SDLĐ thực sự có cung- cầu về lao động nhưng chưa tìm được nhau. “Đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới. Để hồi phục và phát triển, một trong những vấn đề quan trọng nhất đó là vấn đề lao động. Theo đó, tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng với cả lao động chính thức và phi chính thức; dành khoản kinh phí thoả đáng để xây dựng nhà ở cho công nhân; dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi NLĐ quay trở lại làm việc”- ĐB Thủy kiến nghị.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kích thích phát triển

Từ điểm cầu Đồng Tháp, ĐB Phạm Văn Hoà cho rằng, gói hỗ trợ dự kiến dành 64.000 tỷ đồng để tiếp tục miễn giảm thuế, phí vào năm 2022 là phù hợp. Điều này góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái hoạt động, giải quyết việc làm cho NLĐ và kích thích nhu cầu phát triển, sản xuất kinh doanh. Việc này cũng giúp các doanh nghiệp có thể hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể về đối tượng áp dụng là doanh nghiệp nào. “Theo tôi nên tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có nhiều lao động, các doanh nghiệp có sức lan toả rộng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kích thích hoạt động, tăng vốn đầu tư, yên tâm sản xuất kinh doanh…”- ĐB Hòa kiến nghị.

Còn ĐB Mai Văn Hải- Thanh Hóa nhận định, đây là chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Gói hỗ trợ gần 40.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh rất quan trọng để hỗ trợ cho các đối tượng phục hồi sản xuất, cần có trọng tâm trọng điểm vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch như ngành du lịch, vận tải hành khách, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Do vậy, các ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận với chính sách. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay. Tránh tình trạng vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất mà lại mang đi đầu tư vào tài chính, bất động sản và lĩnh vực rủi ro khác sẽ gây suy giảm nền kinh tế.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) kiến nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ hơn mối quan hệ biện chứng của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc tạo ra khả năng chống chịu, thích ứng hấp thụ nguồn lực trong hạn định 2 năm, để trên cơ sở đó dự báo những rủi ro nguy cấp của nền kinh tế- xã hội và cần phải vượt qua. Theo ĐB, bài toán phân bổ nguồn lực qua giải pháp tài khóa và tiền tệ được Chính phủ giải quyết khá toàn diện để mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với đầu tư kết cấu hạ tầng, trong 6 nhóm dự án dự kiến đầu tư của chương trình cho thấy, có 49/63 tỉnh, thành có ghi danh cho đầu tư nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở trong khi dịch Covid-19 đã và đang diễn ra hầu hết trên cả nước, nhu cầu nâng cấp hạ tầng y tế tuyến xã, huyện ở nhiều tỉnh, thành khác cũng đang rất cấp thiết. Đối với chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, đại biểu kiến nghị bổ sung miễn, giảm tiền thuê đất đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ để kích cầu phục hồi một cách tích cực và hiệu quả, vì đây là một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn do dịch Covid-19 thời gian qua.

V.Thu