Print

Cần thiết hỗ trợ và phục hồi phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh

Chủ nhật, 09 /01/2022 08:40

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với tổng quy mô lên đến gần 350.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ bao phủ toàn diện từ phòng chống dịch bệnh, tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, cải cách thể chế.

Giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn

Theo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội, mục tiêu của chính sách tài khóa, tiền tệ  để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội là góp phần khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5- 7%/năm giai đoạn 2021- 2025; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, NLĐ, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thảo luận về gói hỗ trợ này, đa số ĐBQH đánh giá đây là những chính sách bổ sung ngoài khung khổ của chính sách tài chính tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, kế hoạch tài chính, kế hoạch vay trả nợ công và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm của giai đoạn 2021-2025; đáp ứng yêu cầu của tình hình trước những tác động hết sức nặng nề của dịch Covid-19. Đối với nền kinh tế, gói tài khóa tiền tệ này nhằm mục đích kích thích và tạo sự đột phá, giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn cũng như không để lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế của thế giới.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân- TP. Hồ Chí Minh, hai năm qua, do đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta suy giảm sâu, ước tính thiệt hại khoảng 30 tỷ USD. Bên cạnh đó, dịch bệnh còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sức khỏe, tinh thần của người dân; làm hàng triệu người dân bị mất việc làm, thất nghiệp. Chính vị vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội Đề án về chương trình phục hồi, đưa ra các giải pháp tài khóa, tiền tệ là rất cần thiết và rất đúng đắn. Giải pháp mà Chính phủ đề ra sử dụng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm ngân sách năm 2022 để thực hiện gói hỗ trợ NLĐ thuê nhà. Điều đó giúp không ảnh hưởng đến chi ngân sách của năm 2022 về khoản chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ. Tuy nhiên, số liệu dự kiến cần hỗ trợ 400.000 người quay trở lại thị trường lao động và 3,6 triệu lao động đang thuê nhà là chưa có căn cứ để đánh giá độ chính xác. “Về gói hỗ trợ trị giá khoảng 110.000 tỷ đồng để phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với lãi suất 2% tiền vay là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu ổn định, phục hồi nền kinh tế”- ĐB Ngân khẳng định.

Thảo luận về Nghị quyết này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc phấn đấu để phục hồi, tăng trưởng, hỗ trợ phát triển rất quan trọng. Chính vì thế, việc có chính sách hỗ trợ, phát triển là điều rất cần thiết trong lúc này. Nhiều quốc gia đã tăng chi ngân sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế, chính vì vậy phải chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách tăng trong tầm kiểm soát. Việc hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để phát triển trong lúc khó khăn này là cần thiết nhưng nền tảng là phải giữ kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát. “Những hỗ trợ cho NLĐ và các khu vực bị ảnh hưởng cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện để đến được tay người dân, doanh nghiệp, tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, cần thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, để có thể tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí tốt nhất”- Chủ tịch nước khẳng định.

Tạo việc làm, đảm bảo an sinh

Thảo luận về gói hỗ trợ này, ĐB Nguyễn Thị Thủy- Bắc Kạn cho rằng, các giải pháp hỗ trợ NLĐ cần đặt ra hai mục đích. Trước hết là mời gọi NLĐ quay trở lại các KCN, các trung tâm kinh tế; thứ hai là để giữ chân NLĐ. Ví dụ, sẽ hỗ trợ để mời gọi NLĐ quay trở lại bằng cách hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong vòng 3 tháng. Đối với những lao động đã quay trở lại và hiện đang làm việc trong doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng trong vòng 3 tháng. Tuy vậy, mục đích giữ chân NLĐ để phát triển lao động làm việc lâu dài tại doanh nghiệp hay một địa bàn chưa được thể hiện rõ. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, đứt gãy thị trường lao động vừa qua chủ yếu do NLĐ rất vất vả, gặp nhiều khó khăn trước đại dịch nên đã phải dịch chuyển về quê. Khi đợt dịch thứ tư bùng phát đã có 1,3 triệu lao động phải về quê. Các báo cáo trình ra Quốc hội cũng nhận định lao động là vấn đề đại sự, không thể để một mình doanh nghiệp hay địa phương lo mà cả nước phải chung tay thực hiện. “Tại Tờ trình, Chính phủ đề xuất dành một lượng kinh phí hỗ trợ nhà trọ cho NLĐ. Song, đối tượng được thụ hưởng chỉ bao gồm những người có quan hệ lao động trong các KCN, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm. Trong khi đó, lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do hiện chiếm tới 57% tổng số lao động có việc làm. Đây cũng là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua. Hỗ trợ cho lao động ở KCN, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm là rất đúng, song cần rà soát số lượng lao động tự do ở khu vực phi chính thức để hỗ trợ, bảo đảm công bằng trong tiếp cận chính sách và đề nghị khoản chi 6.600 tỷ đồng phải tăng lên và mở rộng đối tượng...”- ĐB Thủy nêu.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, việc Quốc hội họp phiên đột xuất để bàn vấn đề hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội là rất đúng, trúng, kịp thời với mục tiêu để chương trình có sức lan tỏa lớn, tạo sức bật mới, giải quyết các bước đột phá, làm nền tảng cho sự phát triển. Chương trình phục hồi tập trung vào 5 nội dung. Các nội dung cơ bản tương đối đồng bộ, quy mô phù hợp. Tuy nhiên, xét ở góc độ cá nhân phụ trách lĩnh vực an sinh, xã hội thì “mảng xã hội là hơi ít”; các chính sách chủ yếu tập trung đầu tư công các các công trình thi công, xây dựng cơ bản.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hai gói chính sách an sinh xã hội hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Đến nay, hai gói hỗ trợ này đã hỗ trợ 71.000 tỷ đồng, 4,2 triệu lượt người được thụ hưởng với tiến độ giải ngân đều đảm bảo đạt và vượt. “Về lực lượng lao động tự do, phi chính thức, ngành lao động đã đề xuất một số nội dung như hỗ trợ giữ chân NLĐ, thu hút NLĐ quay trở lại, hỗ trợ cho NLĐ công ăn việc làm mới ở địa phương và lực lượng lao động phi chính thức. Rút kinh nghiệm từ Nghị quyết số 42 của Chính phủ năm ngoái, gói hỗ trợ sẽ triển khai theo hướng tiếp cận khác, thay vì chủ trương trung ương trực tiếp hỗ trợ lao động tự do, sẽ để địa phương đảm đương việc này”- Bộ trưởng Dung khẳng định.

V.Thu