Print

Hội thảo quốc gia về cải cách tư pháp

Thứ Hai, 17 /01/2022 18:46

Ngày 17/01, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo quốc gia với chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp”.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ- Phó Trưởng BCĐ đề án nhấn mạnh, kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 cho thấy, công tác cải cách tư pháp đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng; nền tư pháp nước ta đã có một bước tiến dài trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải cách tư pháp thời gian qua vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập. Về nhận thức, vẫn còn tồn tại cách hiểu chưa thống nhất về nội hàm tư pháp; quyền tư pháp; cơ quan tư pháp; độc lập tư pháp; kiểm soát quyền lực tư pháp, cùng với đó là nhiều vấn đề hạn chế về thực tiễn. Một số nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp đề ra trong Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đến nay vẫn được cho là đúng đắn nhưng chưa được thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả; nhất là trong cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp; xây dựng và thực hiện cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong hoạt động tư pháp; trong đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp; công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề pháp lý quốc tế... Cùng với đó, nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ phát sinh trong bối cảnh diễn biến mau lẹ, khó dự báo của tình hình thế giới và khu vực, sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của đất nước... đòi hỏi công tác cải cách tư pháp cần phải tiếp tục được đẩy mạnh để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong công tác tư pháp và cải cách tư pháp thời gian qua, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra nhiệm vụ: “Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Tại Hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, mục tiêu cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam  xác định cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, bảo đảm sự ổn định chính trị, phải xây dựng nền tư pháp độc lập, vô tư, khách quan và công bằng; trong sạch, dân chủ, hiện đại, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nền tư pháp phải được giao đủ thẩm quyền và đủ năng lực xử lý vi phạm pháp luật đảm bảo quyền tài pháp quốc gia, giữ vững niềm tin của người dân vào công lý. Cải cách tư pháp phải nhất quán, thường xuyên liên tục.

Kết luận Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc- Trưởng BCĐ đề án nhấn mạnh, về mục tiêu, quan điểm, định hướng cải cách tư pháp, nhiều đại biểu cho rằng Chiến lược cải cách tư pháp đề ra trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị có nhiều nội dung có tính chiến lược cao và phù hợp xu thế thời đại; từ đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, kế thừa một cách khoa học các mục tiêu, quan điểm, định hướng cải cách tư pháp của Nghị quyết số 49-NQ/TW, kết hợp với việc vận dụng sáng tạo những tiến bộ của nền tư pháp các nước trên thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để thực hiện thành công chủ trương, đường lối cải cách tư pháp trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cũng theo Chủ tịch nước, cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ của Đảng, giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; phải có quyết tâm chính trị cao để vượt qua thách thức, loại bỏ định kiến, rào cản nhận thức và tư tưởng cục bộ, kiên quyết, kiên trì cải cách vì một nền tư pháp công bằng, công lý, phục vụ nhân dân.Cải cách tư pháp phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới lập pháp và cải cách hành chính để bảo đảm nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.Cải cách tư pháp hướng tới bảo đảm độc lập của tư pháp để bảo vệ, bảo đảm tốt hơn dân chủ, công bằng, công lý, quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, thượng tôn pháp luật.Cải cách tư pháp phải kế thừa những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ, những kinh nghiệm quý của các quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.Cải cách tư pháp phải được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, toàn diện; xác định rõ những nội dung trọng tâm, trọng điểm; có chương trình kế hoạch, lộ trình cải cách phù hợp; xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện cải cách tư pháp.

Nguyệt Hà