Print

BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2022

Chủ nhật, 02 /01/2022 23:16

Ngày 24/12/2021, BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch số 4283/KH-BHXH về thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2022. 

Theo đó, yêu cầu đặt ra là công tác CCHC phải xuất phát từ lợi ích của người dân và DN; lấy người dân, DN làm trung tâm và sự hài lòng của người dân cùng DN là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của ngành BHXH Việt Nam. Cùng với đó, Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu về việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy sáng tạo của CCVC ngành BHXH Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử, DVC trực tuyến, ứng dụng CNTT trong công tác cải cách TTHC nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với NLĐ và nhân dân.

Kế hoạch hướng tới mục tiêu đồng bộ, thống nhất CCHC ở các lĩnh vực: TTHC, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công và xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; đồng thời xây dựng đội ngũ CCVC ngành BHXH Việt Nam chuyên nghiệp, có đủ năng lực, phẩm chất để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Để hoàn thành Kế hoạch CCHC năm 2022, BHXH Việt Nam xác định cần tập trung triển khai 5 mục tiêu trọng tâm sau:

Thứ nhất, về cải cách TTHC, BHXH Việt Nam xác định cần cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020; hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính; đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân và DN; 100% TTHC thuộc thẩm quyền được tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính; tiến tới 100% số hóa trong việc giải quyết TTHC; phấn đấu đạt tối thiểu 90% mức độ hài lòng của người dân và DN về giải quyết TTHC.

Thứ hai, về cải cách tổ chức bộ máy: Sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành BHXH; gắn tinh giản biên chế với sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ ba, đối với mục tiêu cải cách chế độ công vụ: Cần cơ cấu lại đội ngũ CCVC và NLĐ; nâng cao chất lượng trình độ, năng lực, phẩm chất của đội ngũ CCVC, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức về hành chính phục vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thứ tư, về cải cách tài chính công: Cần nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính của Ngành; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, tài sản được giao; đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc BHXH Việt Nam theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc BHXH Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh vận động, khuyến khích người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị.

Thứ năm, về thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Triển khai CSDL quốc gia về BH theo quy định tại Nghị định 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định CSDL quốc gia về BH, đảm bảo nguyên tắc dữ liệu chỉ từ một nguồn, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin dữ liệu. Đạt 80% DVC trực tuyến đủ điều kiện thực hiện ở mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; có 80% người dân, DN sử dụng DVC trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam, trong đó có 70% các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam liên quan đến người dân, DN được đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, DN đã được số hóa và lưu trữ tại các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành.

Cung cấp dữ liệu mở theo quy định tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Tiếp đó là duy trì kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống báo cáo của BHXH Việt Nam với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Yêu cầu đặt ra đối với toàn Ngành là tiếp tục phát triển, hoàn thiện Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH (Data Warehouse-DWH), nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ của Ngành. Ngoài ra, phấn đấu đạt 70% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng và 35% người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó có 25% sử dụng ứng dụng VssID.

BHXH Việt Nam giao các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam tham mưu cho lãnh đạo Ngành; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; đồng thời khuyến khích các sáng kiến, mô hình cải cách mới và các giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả công tác CCHC. Giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra công tác CCHC; tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất và xây dựng Kế hoạch công tác CCHC theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Nội vụ…

Đối với BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: BHXH Việt Nam yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc xây dựng kế hoạch và chế độ báo cáo công tác CCHC theo hướng dẫn tại Công văn 4032/BHXH-PC ngày 9/12/2021 của BHXH Việt Nam. 

Hoài Anh