Print

Lan tỏa BHXH tự nguyện- hành trình mở rộng "lưới an sinh"

Thứ Sáu, 28 /01/2022 11:00

Bài 4

Đổi mới truyền thông thời công nghệ số

Trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc triển khai tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tới người dân bằng các hình thức truyền thống như: Tổ chức hội nghị, trực tiếp tại các hộ gia đình, các địa điểm đông dân cư... bị hạn chế. Trong bối cảnh đó, các hình thức truyền thông mới trên môi trường Internet, mạng xã hội đã được ngành BHXH Việt Nam ứng dụng linh hoạt, mang lại hiệu quả cao...

Những “cây cầu” ứng dụng số

Thường xuyên chia sẻ thông tin về chế độ BHXH, BHYT trên trang Zalo, Facebook với chị Nguyễn Thị Hải- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, hệ thống mạng xã hội đã trở thành kênh kết nối khá hiệu quả với người dân quan tâm đến các chính sách này. Chị Hải cũng không ngại trực tiếp gọi điện giải thích rõ hơn, cập nhật thông tin các chế độ cho những người dân có tương tác trên các trang mạng xã hội này... Đây là một phần trong hoạt động đổi mới hình thức tuyên truyền mà BHXH huyện Kỳ Anh khuyến khích, cũng như tận tình hướng dẫn các đại lý thu BHXH, BHYT và cộng tác viên của mình để không bị gián đoạn hoạt động tuyên truyền trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Bộ phận kỹ thuật hỗ trợ cho buổi livetream tuyên truyền về BHXH, BHYT

Cơ quan BHXH đã lập các nhóm Zalo, Facebook kết nối hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT và các cộng tác viên, tư vấn nội dung tuyên truyền theo chủ đề... Hoạt động này đã góp phần giúp BHXH huyện Kỳ Anh vượt một số chỉ tiêu trước thời hạn. Theo ông Võ Xuân Kỳ- Giám đốc BHXH huyện Kỳ Anh, đến hết tháng 9/2021, BHXH huyện Kỳ Anh đã đạt 104% kế hoạch được giao về số người tham gia BHXH tự nguyện, với tổng số tham gia trên 3.000 người, tăng hơn 900 người so với năm 2020, đạt 104,2% kế hoạch...

Tương tự, tại BHXH huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), các phương pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH qua mạng xã hội cũng như các phương tiện thông tin đại chúng… được áp dụng triệt để trong bối cảnh hạn chế tập trung đông người. BHXH huyện đã thành lập nhóm Zalo tuyên truyền về chính sách BHYT, BHXH với hơn 80 thành viên tham gia là cán bộ chuyên môn, nhân viên đại lý thu của xã, thị trấn và các trạm y tế. Vì vậy, những thông tin về chính sách BHYT, BHXH được mọi người chia sẻ kịp thời, lan tỏa thông tin đến từng người dân...

Chị Nguyễn Thị Hiếu- đại lý thu UBND xã Tân Lâm Hương cho biết: Nhóm Zalo, Facebook đã trở thành phương tiện hữu ích để tuyên truyền, phổ biến và đăng tải chính sách BHYT, BHXH; thông tin mức đóng BHYT hộ gia đình, nhất là trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Những bài viết, hình ảnh, câu chuyện mang hơi thở cuộc sống đã lan tỏa sâu rộng các thông điệp, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT, BHXH đến người dân; đồng thời cập nhật kịp thời danh sách những người sắp hết hạn để nhắc nhở, vận động họ tiếp tục tham gia. Sự vào cuộc tích cực của đội ngũ tuyên truyền viên đã thu hút sự quan tâm của người dân đến các vấn đề liên quan đến BHYT, BHXH. Nhiều thôn của Tân Lâm Hương đã gần “phủ kín” được tỷ lệ người dân tham gia như: Trung Thành, Yên Trung, Minh Đình...

Bà Trương Thị Tuyết- Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Từ tháng 5/2021, khi dịch bệnh bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh với diễn biến phức tạp và khó lường, BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng các giải pháp, đổi mới hình thức tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình, tăng cường truyền thông chính sách BHXH, BHYT qua mạng xã hội và qua tin nhắn SMS… Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã tăng cường phối hợp với các Trung tâm Văn hóa-Truyền thông huyện, tăng cường sử dựng hệ thống phát thanh để phát các file âm thanh tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng...

Tính chung, năm 2021, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã vượt kế hoạch được giao cả về số BHXH bắt buộc (đạt 90.000 người) và BHXH tự nguyện (39.600 người). “Do diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nên phòng sẽ tham mưu cho lãnh đạo BHXH tỉnh tiếp tục đưa ra các giải pháp truyền thông phù hợp với tình hình dịch bệnh như truyền thông qua mạng xã hội, qua hệ thống phát thanh; hoặc đi theo các nhóm nhỏ để tuyên truyền, vận động người dân...”- bà Tuyết chia sẻ.

Là một trong những địa phương có tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện thuộc tốp đầu trên cả nước, BHXH tỉnh Thanh Hóa có nhiều mô hình, điển hình trong tuyên truyền, phát triển đối tượng. Hầu như hoạt động nào cũng được “lồng ghép” nội dung tuyên truyền, đưa chính sách đến gần hơn với người dân. Các cán bộ BHXH huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã chia sẻ câu chuyện ấn tượng về bác Phạm Hùng Vân- cán bộ hưu trí tại xã Đồng Lương đã tình nguyện thành tuyên truyền viên tích cực chỉ bởi say mê với ứng dụng VssID.

BHXH tỉnh Đắk Nông tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội

Theo Giám đốc BHXH huyện Lang Chánh- ông Vũ Cao Cường, sau khi được cán bộ BHXH huyện hướng dẫn cài đặt, giới thiệu tiện ích của việc cài đặt VssID, bác Vân đã chủ động liên hệ với BHXH huyện và mong muốn được tham gia cùng đội ngũ CBVC của cơ quan để tuyên truyền, giới thiệu và trực tiếp thực hiện cài đặt cho các bạn hưu trí. Ban đầu là ở Tổ hưu trí mà bác đang sinh hoạt, thấy bác nhiệt tình, nên các Tổ hưu trí khác lại nhờ hỗ trợ... Tính từ thời điểm tháng 3/2021 đến nay, bác Vân đã hướng dẫn đăng ký và sử dụng thành công ứng dụng VssID cho hơn 200 người dân trên địa bàn, ngoài ra còn tuyên truyền phát triển được thêm 6 người tham gia BHXH tự nguyện, 22 người tham gia BHYT hộ gia đình, vận động được 12 người đã dừng đóng BHXH tự nguyện tiếp tục tham gia.

Bác Phạm Hùng Vân chia sẻ: "Khi được tiếp cận ứng dụng VssID, tôi bất ngờ vì không nghĩ ứng dụng lại quá nhiều tiện ích như vậy, đi khám bệnh không cần dùng đến thẻ BHYT, trên điện thoại đã có sẵn thẻ BHYT và toàn bộ quá trình đóng BHXH, BH thất nghiệp, ngay cả hàng tháng tôi đi KCB, lịch sử KCB cũng hiển thị hết thông tin trên điện thoại của mình. Từ đó, tôi trăn trở mong muốn người thân, bạn bè, nhất là các cụ hưu trí hay quên đều được sử dụng ứng dụng tuyệt vời đó"...

Phát huy tối đa lợi thế nền tảng CNTT

Theo BHXH Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các hình thức truyền thông mới được sử dụng linh hoạt như: Truyền thông trên mạng xã hội, phát thanh cơ sở đã thể hiện lợi thế, hiệu quả ngay tại các địa phương đang chống dịch thông qua việc đối thoại, tư vấn trực tiếp, qua mạng xã hội, qua hệ thống tổng đài hỗ trợ, qua ứng dụng VssID với 5 thứ tiếng, trên Cổng Thông tin điện tử, Tạp chí BHXH; sản xuất các chuyên trang, chuyên mục về BHXH, BHYT, các loại hình truyền thông mới (Mega Story, Infographic, Video Clip...).

Năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tổ chức trên 22.000 hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại... với khoảng 925.000 lượt người tham dự; trên 50.000 cuộc tuyên truyền nhóm nhỏ đến cụm dân cư, hộ gia đình với khoảng 356.900 lượt người; 2.600 cuộc truyền thông trên nền tảng mạng xã hội, internet; 730.000 lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở…

Từ cuối tháng 8/2021, BHXH Việt Nam cũng đã ban hành Công văn số 2705/BHXH-TT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trên môi trường Internet, mạng xã hội. Theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong thời điểm hiện nay, khi toàn Ngành đang nỗ lực hết mình, “bù đắp” những khó khăn trong thời gian dịch bệnh để về đích trong năm 2021. Đặc biệt, với nền tảng CNTT “đón đầu”, ngành BHXH Việt Nam có đủ diều kiện để đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia và hưởng các chính sách an sinh xã hội...

Lương Minh