Print

Bộ Y tế bổ sung hướng dẫn sử dụng thuốc Molnupiravir và Remdesivir

Thứ Ba, 01 /03/2022 11:22

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, thuốc Molnupiravir sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính. Thuốc chống chỉ định sử dụng với một số nhóm đối tượng. Remdesivir, chỉ định cho người bệnh nội trú, mức độ nhẹ và có ít nhất một yếu tố nguy cơ tiến triển nặng; mức độ trung bình và nặng, khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở oxy, thở HFNC, thở máy không xâm nhập.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 437/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định 250/QĐ-BYT ngày 28/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Theo đó, Bộ Y tế bổ sung hướng dẫn sử dụng 2 loại thuốc kháng virus trong điều trị Covid-19 là Molnupiravir và Remdesivir.

Bác sĩ trao thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân tại TP.HCM

Cụ thể, đối với Remdesivir, chỉ định cho người bệnh nội trú, mức độ nhẹ và có ít nhất một yếu tố nguy cơ tiến triển nặng; mức độ trung bình và nặng, khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở ôxy, thở HFNC, thở máy không xâm nhập. Với các trường hợp đã được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo) thì có thể tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình.

Về liều dùng của thuốc Remdesivir, người lớn hơn, bằng 12 tuổi và cân nặng trên 40 kg: Ngày đầu 200mg, những ngày sau 100mg/ngày, truyền tĩnh mạch 1 lần trong 30-120 phút. Thời gian điều trị là 5 ngày, nếu không cải thiện về lâm sàng có thể điều trị thêm 5 ngày tiếp. Trẻ em nhỏ hơn 12 tuổi thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 ở trẻ em. Đối với việc sử dụng thuốc Remdesivir với phụ nữ có thai và nuôi con bằng sữa mẹ, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ đối với trường hợp này nên không khuyến cáo (trừ trường hợp lợi ích vượt trội so với nguy cơ)…

Đối với Molnupiravir, được chỉ định cho bệnh nhân Covid-19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Theo hướng dẫn sử dụng, thuốc Molnupiravir sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân cần nhập viện đã được khởi trị Molnupiravir trước đó có thể tiếp tục sử dụng thuốc để hoàn thành phác đồ điều trị 5 ngày tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị. Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi do quan ngại nguy cơ độc tính trên thai nhi, trên xương, sụn của thuốc.

Thuốc Molnupiravir sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính

Bên cạnh đó, Bộ Y tế lưu ý phụ nữ có khả năng mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và có hiệu quả trong quá trình điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng. Đối với phụ nữ cho con bú, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng. Đối với nam giới trong độ tuổi sinh sản sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng…

Cùng ngày, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý chất thải với các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà. Để tăng cường quản lý chất thải phát sinh từ các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo kịp thời và an toàn phòng, chống dịch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp UBND cấp tỉnh kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covud-19 theo thẩm quyền, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện quản lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà.

Cụ thể, xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với các trưởng hợp F0 đang quản lý tại nhà trên địa bàn. Ngoài ra, các đơn vị phải hướng dẫn việc phân loại chất thải. Chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm. Các chất thải này phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. Các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0 thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.

Các địa phương tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, bố trí người thu gom các túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm của các F0 được quản lý tại nhà để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp do địa phương lựa chọn để xử lý theo quy định. Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.

Quang Hùng