Print

Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ ngành BHXH Việt Nam

Thứ Sáu, 25 /03/2022 09:44

Sáng 24/3, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2020 (BHXH Việt Nam) đã họp tư vấn đánh giá, nghiệm thu Đề tài khoa học “Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ ngành BHXH Việt Nam”. Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh- Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

Trình bày các nội dung cơ bản của Đề tài, ThS.Hồ Minh Thế- Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ (BHXH Việt Nam)- Chủ nhiệm Đề tài cho biết, kiểm toán nội bộ (KTNB) nói chung và KTNB ngành BHXH Việt Nam nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong quản trị rủi ro hệ thống cũng như đưa ra các tư vấn, nhằm cải thiện quy trình quản lý rủi ro và kiểm soát tổ chức. Đối với ngành BHXH Việt Nam, hoạt động KTNB không chỉ đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật trong việc thu, chi, quản lý các quỹ, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, mà còn góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài sản, tài chính và các nguồn kinh phí thông qua đề xuất, kiến nghị và sửa đổi, bổ sung quy trình, quy định về công tác quản lý tài sản, tài chính và công tác quản lý thu, chi các quỹ tại các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

“Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã triển khai thực hiện Đề tài "Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động KTNB ngành BHXH Việt Nam", nhằm đáp ứng yêu cầu lý luận và thực tiễn đề ra”- ông Hồ Minh Thế nói. Cũng theo ông Thế, để nâng cao chất lượng hoạt động KTNB, nhóm nghiên cứu đã nêu rõ một số vấn đề lý luận, thực trạng KTNB của Ngành... Trên cơ sở đó, đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động KTNB như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý; vận dụng phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro trong các khâu chuẩn bị, thực hiện, hình thành ý kiến và lập báo cáo kiểm toán; xây dựng kế hoạch chiến lược KTNB mang tính dài hạn; các nội dung kiểm toán mới, đặc biệt ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành nhằm hỗ trợ đánh giá hệ thống KTNB; đa dạng hoá nội dung và hình thức kiểm toán; các quy trình kiểm toán; tăng cường kiểm soát chất lượng KTNB...

Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất và lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động KTNB ngành BHXH Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện các quy trình kiểm toán theo chuyên đề phù hợp với đặc trưng của Ngành; tầm nhìn 2045 kiện toàn lại bộ máy KTNB theo hướng thành lập Ủy ban Kiểm toán thuộc HĐQL BHXH Việt Nam nhằm đảm bảo tính độc lập trong kiểm toán; áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên định hướng rủi ro và đảm bảo 100% cán bộ làm công tác KTNB có chứng chỉ KTNB quốc tế...

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao sự nghiêm túc trong tổ chức thực hiện Đề tài của nhóm nghiên cứu. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã dành thời gian đầu tư, nghiên cứu và đưa ra được những vấn đề chung, đặc trưng của KTNB; những hoạt động KTNB; đồng thời nêu bật sự cần thiết, mục tiêu của KTNB. Đồng thời, đề nghị nhóm nghiên cứu cần có đánh giá cụ thể về xây dựng nguồn nhân lực, khả năng đáp ứng, năng lực tổ chức thực hiện của ngành BHXH Việt Nam cũng như dự báo rủi ro, thay đổi phương án tiếp cận trong tương lai.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề tài. “Đây là một đề tài khó, mới và phức tạp, nhưng Ban Chủ nhiệm đã thực hiện công phu, nghiêm túc, hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học- cũng là nhiệm vụ chính trị được Ngành giao, trên nguyên tắc kế thừa các phương pháp đang thực hiện. Đồng thời, đưa ra được các giải pháp cũng như các kiến nghị, lộ trình thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng KTNB ngành BHXH Việt Nam”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nói.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng đồng tình với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng như: Cần làm sắc nét, nổi bật hơn tính cần thiết của Đề tài; cần hoàn thiện, đưa ra được vấn đề chung của kiểm toán, phân biệt KTNB trong cơ quan nhà nước và DN; khung thực hành nghề nghiệp KTNB theo thông lệ quốc tế; tham khảo thêm kinh nghiệm KTNB của một số quốc gia tương đồng với Việt Nam; nêu bật KTNB của ngành BHXH Việt Nam có những đặc trưng, đặc điểm khác biệt với những cơ quan khác. Mối quan hệ giữa KTNB với các bộ phận có chức năng kiểm tra, thanh tra, nhiệm vụ KTNB; tiếp tục làm sắc nét thêm tập trung một số nội dung để đưa ra được các giải pháp, các yếu tố công cụ hoạt động hiệu quả...

Cũng tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài đạt yêu cầu và thống nhất nghiệm thu thông qua. “Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện Đề tài trong thời gian sớm nhất”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đề nghị.

Thủy Hà