Print

Thuốc điều trị bệnh Parkinson

Chủ nhật, 03 /04/2022 18:35

Một số bệnh về thần kinh hay gặp ở người cao tuổi, trong đó có bệnh Parkinson. Căn bệnh này được đặt theo tên của bác sĩ người Anh James Parkinson, người đã mô tả chi tiết căn bệnh lần đầu tiên từ năm 1817.

Bệnh Parkinson là bệnh về thần kinh, thường xảy ra khi nhóm tế bào trong não bị thoái hóa, không thể kiểm soát được vận động của cơ bắp, khiến cho con người đi lại khó khăn, cử động chậm chạp, chân tay bị run cứng. Biểu hiện đặc trưng của Parkinson là run tay chân, tăng trương lực cơ, giảm vận động và vận động chậm, người bệnh không thể ổn định tư thế hoặc dáng đi. Khi bệnh tiến triển có thể ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh, làm thiếu hụt Dopamine. Hiện nay, vẫn chưa có một phương pháp để có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh Parkinson, mà chỉ có những biện pháp giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, trì hoãn tiến trình tiến triển của bệnh.

Bệnh Parkinson thường có nguy cơ cao ở những người cao tuổi, tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên. Xét về giới tính, nam giới có khả năng mắc bệnh Parkinson cao hơn nữ giới. Một số yếu tố dịch tễ khác cũng được đề cập đến như các nguyên nhân do di truyền, do yếu tố môi trường, thậm chí có thể là do virus... Khoảng 10% bệnh nhân Parkinson có tiền sử gia đình. Thường xuyên tiếp xúc với độc tố hoá chất như thuốc trừ sâu hay tia X cũng có thể gây ra Parkinson.

Trên thực tế, ngoài bệnh Parkinson, còn nhiều bệnh nhân có biểu hiện bệnh giống bệnh Parkinson, mà người ta gọi là hội chứng Parkinson. Hội chứng Parkinson có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như thoái hóa thần kinh, do nhiễm khuẩn (viêm não), do nhiễm độc (trong đó có một số thuốc an thần kinh…), do chấn thương, do tổn thương mạch máu não (đột quỵ, đái tháo đường, vữa xơ mạch não, tăng huyết áp...).

Thuốc điều trị bệnh Parkinson được sử dụng tuỳ vào tình trạng bệnh. Thuốc có tác dụng ức chế các rối loạn hệ thần kinh, bổ sung tức thời Dopamin vào tế bào não để giảm các triệu chứng run, co cứng tay chân. Thuốc Tây đem lại hiệu quả nhanh, nhưng về lâu dài, người bệnh sẽ bị phụ thuộc vào thuốc và có thể bị nhờn thuốc, phải tăng liều. Dùng dài ngày làm tổn hại gan, thận, dạ dày; nặng hơn là buồn nôn, ảo giác, loạn thần, mất ngủ...

Hiện nay, chủ yếu dùng nhóm ức chế Cholin (Artan, Trihex...), nhóm các thuốc kích thích trực tiếp các thụ thể Dopamin (Sifrol, Trivastal). Các thuốc thay thế Dopamin (Levodopa) thường dùng là Madopar, Syndopar, Sinemet. Nếu dùng nhóm Levodopa, thì không nên kết hợp với vitamin B6. Levodopa là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Nếu đáp ứng với Levodopa kém, có thể dùng các chất ức chế MAO-B (Selegiline, Rasagiline); các chất chủ vận Dopamine (ví dụ Pramipexole, Ropinirole, Rotigotine) hoặc Amantadine.

Khi sử dụng, cần tuân theo chỉ định của thấy thuốc: Khởi đầu bằng liều thấp, tăng dần tới liều tác dụng và duy trì liều, nếu muốn thay thế thuốc khác phải thay thế dần dần, không dừng đột ngột. Tùy nhóm thuốc mà có các tác dụng không mong muốn, tuy nhiên các biểu hiện hay gặp là khô mắt, khô miệng, buồn ngủ, nhịp tim nhanh, dị ứng, hạ huyết áp tư thế, loạn nhịp tim, đau bụng, buồn nôn, khó tiêu, táo bón…; liều cao có thể gây lú lẫn, ảo giác, kích động.

Các nhóm thuốc phối hợp vitamin, khoáng chất, thực phẩm chức năng bảo vệ sức khoẻ và dinh dưỡng thần kinh có tác dụng theo cơ chế chống gốc tự do, tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ giải độc thần kinh cũng có thể kết hợp và tuân theo liều lượng hướng dẫn. Một số thuốc nguồn gốc thảo dược có tác dụng giúp nuôi dưỡng và bảo vệ các tế bào thần kinh, từ đó giúp phục hồi tổn thương thần kinh, cải thiện vận động hiệu quả. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ nguồn gốc và cơ sở sản xuất để tránh mua phải những sản phẩm quảng cáo, thổi phồng về hiệu quả điều trị.

Để phòng ngừa bệnh Parkinson, cần phải tắm nắng thường xuyên để bổ sung đủ vitamin D cho cơ thể, vì hầu hết bệnh nhân mắc Parkinson đều có nồng độ vitamin D thấp. Uống trà xanh hàng ngày có tác dụng ngăn không cho độc tố có thể giết chết tế bào thần kinh thâm nhập vào não. Sử dụng cà phê hợp lý giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Việc phun thuốc trừ sâu bằng hoá chất rất độc hại cần phải được kiểm soát chặt chẽ để tránh ô nhiễm môi trường sống và gây các bệnh về thần kinh, trong đó có Parkinson. Nên duy trì thường xuyên hoạt động thể dục thể thao vừa sức và ăn uống đủ chất, ăn nhiều rau quả giàu Flavonoid giúp phòng ngừa bệnh Parkinson.

Khi thấy người cao tuổi trong gia đình có biểu hiện như mệt mỏi, đau cơ, vụng về khi thực hiện các động tác đơn giản như đi tất, đi giày, tra chìa khóa, rối loạn chữ viết (chữ viết nhỏ dần), táo bón, trầm cảm, kéo lê một chân hoặc giảm hoạt động một tay khi vận động, bong vảy da ở mặt, đầu gối… cần cho đi khám ngay để có hướng điều trị kịp thời. Trong đại dịch Covid-19 hiện nay, bệnh nhân Parkinson cần được chăm sóc, theo dõi chặt chẽ và tuân thủ khuyến cáo của nhân viên y tế về tiêm vắc-xin cũng như dùng thuốc nếu nhiễm virus.

ThS.Lê Quốc Thịnh