Print

Trên 80% người dân, tổ chức và DN hài lòng đối với sự phục vụ của ngành BHXH Việt Nam

Thứ Năm, 07 /04/2022 11:42

BHXH Việt Nam vừa công bố kết quả triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức và DN đối với sự phục vụ của ngành BHXH Việt Nam năm 2020 (SIPAS 2020).

Theo đó, mục đích đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức và DN đối với sự phục vụ của ngành BHXH Việt Nam nhằm đánh giá khách quan chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ công (DVC) của ngành BHXH Việt Nam thông qua ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức và DN. Thông qua đó, nắm bắt nhu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức và DN để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng DVC, nhằm nâng cao sự hài lòng và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức và DN.

Đối tượng tiến hành đánh giá là người dân, tổ chức và DN tham gia và hưởng BHXH, BHYT. Việc đo lường được tiến hành trong phạm vi cả nước, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2020, theo hình thức chọn mẫu ngẫu nhiên ở 10 tỉnh, thành phố đại diện cho 6 vùng kinh tế trong cả nước. Tiêu chí đo lường dựa theo 5 yếu tố: Tiếp cận dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực BHXH, BHYT; thủ tục hành chính (TTHC); viên chức trực tiếp giải quyết công việc; kết quả dịch vụ hành chính (bao gồm DVC) trong lĩnh vực BHXH, BHYT; tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức và DN.

Sau khi tiến hành khảo sát, kết quả đo lường chỉ số SIPAS 2020 ngành BHXH Việt Nam theo loại hình giao dịch đạt 81,4% hài lòng. Cụ thể: Có 81,6% người dân, tổ chức, DN tham gia khảo sát hài lòng với chất lượng cung cấp DVC khi đến giao dịch trực tiếp với ngành BHXH Việt Nam tại bộ phận "Một cửa", Bưu điện, đại lý thu; cơ sở KCB. Có 75,9% người dân, tổ chức, DN hài lòng với chất lượng giao dịch trực tuyến (giao dịch điện tử, tra cứu thông tin tại Trang/Cổng TTĐT của cơ quan BHXH; hỏi đáp qua tổng đài CSKH).

Tại các vùng miền, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, DN đối với chất lượng cung cấp DVC lần lượt là: 82,9% vùng Đồng bằng sông Hồng; 88,1% vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; 82,9% vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ; 83,4% vùng Tây Nguyên; 73,5% vùng Đông Nam Bộ; 80,2% vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Cùng với đó, 81,6% người dân, tổ chức đánh giá hài lòng đối với sự phục vụ của ngành BHXH Việt Nam tại các địa điểm giao dịch theo các tiêu chí đo lường. Cụ thể: Có 82,9% người dân, tổ chức, DN hài lòng với chất lượng cung cấp DVC khi đến giao dịch trực tiếp tại bộ phận "Một cửa" của cơ quan BHXH; sự hài lòng này lần lượt là 82,1% với chất lượng giao dịch trực tiếp tại đại lý thu, 82,7% với chất lượng giao dịch trực tiếp tại Bưu điện và 78,9% với chất lượng giao dịch trực tiếp tại cơ sở KCB BHYT.

Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan BHXH khi sử dụng hình thức giao dịch trực tuyến cho thấy: Có 78,4% người dân, đại diện tổ chức hài lòng khi thực hiện giao dịch điện tử về BHXH, BHYT...

Ngoài ra, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của người dân, tổ chức, DN cho thấy: Có 63,3% người tham gia khảo sát mong muốn rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC; 56,7% mong muốn tiếp tục đơn giản hóa các TTHC về BHXH, BHYT; 56,7% mong muốn ngành BHXH Việt Nam mở rộng hơn nữa các hình thức thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin chính sách và thông tin về TTHC trong lĩnh vực BHXH, BHYT; 53,7% mong muốn tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng phần mềm, tính đồng bộ giữa các phần mềm giao dịch điện tử; 34,8% đề nghị tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất…

Từ việc tiến hành đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức, DN, BHXH Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới như: Tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC; thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ BHXH, BHYT để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, DN khi tham gia và hưởng chính sách. Cùng với đó, tiếp tục đa dạng hóa các kênh thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận…

TH