Print

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong Đảng bộ cơ quan BHXH Việt Nam

Thứ Ba, 12 /04/2022 15:03

Trong những năm vừa qua, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới” ; Nghị quyết số 04-NQ/ĐUK ngày 25/01/2017 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong đảng bộ các cơ quan nhà nước”, Đảng ủy cơ quan BHXH Việt Nam đã phối hợp với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, tổ chức Đảng trực thuộc, tập trung nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và NLĐ, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác dân vận.

Đẩy mạnh công tác dân vận của cơ quan nhà nước, trọng tâm là thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chất lượng tham mưu chủ trương, chính sách hợp lòng dân; sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa, nêu cao đạo đức công vụ, chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân.

Sau 5 năm thực hiện, công tác dân vận ở Đảng bộ cơ quan BHXH Việt Nam đã đạt nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức về công tác dân vận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và NLĐ được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu, vai trò nêu gương của đội ngũ cấp ủy viên, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành qua đó cũng đạt được những thành tựu đáng kể, cụ thể như:

Trong công tác thu và phát triển đối tượng: Đã đạt và vượt chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách BHXH. Đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH khoảng 16,578 triệu người, chiếm 33,3% lực lượng lao động trong độ tuổi; BH thất nghiệp đạt khoảng 13,537 triệu người, chiếm 27,19% lực lượng lao động trong độ tuổi; BHYT khoảng 88,827 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91% dân số.

Trong công tác tham mưu xây dựng văn bản: Công tác tham mưu chủ trương, chính sách, thực thi công vụ của ngành BHXH Việt Nam đạt hiệu quả cao và đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham gia xây dựng, sửa đổi bổ sung, cụ thể hóa các các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội, cũng như tạo thuận lợi cho NLĐ, nhân dân được tham gia và hưởng các quyền lợi về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.

Trong công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tiếp tục rà soát, bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp, không đúng thẩm quyền, những thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà cho nhân dân. Đồng thời, đa dạng các hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (qua bộ phận “Một cửa”; qua dịch vụ bưu chính công; qua giao dịch điện tử).

Trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin: Được đặc biệt quan tâm, chú trọng triển khai nhiều phần mềm nghiệp vụ, dịch vụ công trực tuyến…góp phần đổi mới phương thức hoạt động và hiện đại hóa ngành BHXH Việt Nam, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0.

Trong công tác giải quyết các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp: BHXH Việt Nam đã công khai toàn bộ các văn bản quy định, quyết định, quy trình và thủ tục giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi lĩnh vực của ngành BHXH để doanh nghiệp và người dân được rõ; thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm khiếu nại, tố cáo, không để kéo dài, khiếu kiện; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực thích ứng với xã hội, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong việc thực hiện quy chế dân chủ: Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; vận động cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; vận động cán bộ, đảng viên, NLĐ hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước các cuộc vận động do các cấp hội phát động lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, kỷ niệm 26 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam (16/02/1995 - 16/02/2021); phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiên định đấu tranh với những quan điểm sai trái, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực; triển khai sâu rộng các mô hình công tác dân vận; hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo”...

Trong các hoạt động nâng cao hình ảnh “trụ cột an sinh xã hội”: Tích cực tham gia ủng hộ các quỹ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh Covid 19; thực hiện kết nối hỗ trợ xã nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa; tổ chức các hoạt động tình nguyện, về nguồn, bảo trợ, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho người dân...

Để đạt được những kết quả nêu trên, Đảng ủy cơ quan BHXH Việt Nam cũng lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các tổ chức đoàn thể đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như:

- Thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; đẩy mạnh nâng cao nhận thức và hành động của cấp ủy các cấp, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các đoàn thể về vị trí, vai trò của công tác dân vận

- Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu, vai trò nêu gương của đội ngũ cấp ủy viên và đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với công tác dân vận.

- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực thích ứng với xã hội, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức trong toàn Đảng bộ.

- Thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của ban dân vận, lấy tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào “Dân vận khéo”; thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh; đẩy mạnh trật tự kỷ cương và văn hóa công sở; nhân rộng các mô hình, điển hình những cách làm hay, sáng tạo.

- Đưa nội dung công tác dân vận vào chương trình, kế hoạch kiểm tra giám sát hằng năm của cấp ủy, ủy ban kiểm tra đảng ủy. Thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận; giám sát đảng viên là người đứng đầu về trách nhiệm đối với việc xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Có thể nói công tác dân vận luôn được Đảng bộ cơ quan BHXH Việt Nam quan tâm, chú trọng, qua đó tạo khí thế dân chủ, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành BHXH Việt Nam và tổ chức xây dựng đảng vững mạnh, toàn diện.

Đảng ủy cơ quan BHXH Việt Nam