Print

Lấy con người làm trung tâm trong thực hiện chính sách an sinh xã hội

Thứ Tư, 20 /04/2022 16:35

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Đánh giá 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội Việt Nam giai đoạn 2012-2022: Xu hướng và khoảng trống”, do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức hôm nay (20/4) tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2012, Hội nghị Trung ương 5 đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, trong đó tập trung vào nhiều chính sách an sinh xã hội cho người dân, nhằm góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác chăm lo an sinh xã hội đã đạt những thành tựu lớn và đáng ghi nhận như: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật với hàng trăm văn bản luật, pháp lệnh quy định về lĩnh vực người có công với cách mạng, lao động việc làm, giáo dục nghề nghiệp, BHXH, bảo trợ xã hội, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, giảm nghèo, bình đẳng giới…

“Nhờ ổn định chính sách, khoảng 1,1-1,2 triệu trẻ em/năm được đến trường, 95% dân số có thẻ BHYT, số người tham gia BHXH tăng từ 10,2 triệu người năm 2011 lên gần 16,6 triệu người vào năm 2021 và hiện đã bao phủ BHXH đến 35% lực lượng lao động, hướng tới 45%; giảm nghèo có nhiều thành tựu và là điểm sáng trong đánh giá của LHQ”- ông Hồi khẳng định.

Theo ông Hồi, những thành công của chính sách đã giúp đảm bảo an sinh xã hội cho gần 100 triệu người dân, bảo đảm việc làm cho trên 54 triệu người trong độ tuổi lao động và duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp từ 2-3% trong cả giai đoạn. Thu nhập của người dân tăng từ 30-40% trong 10 năm, đạt trung bình 4.000 USD/người/năm.

Đáng chú ý, trong 10 năm qua, tỷ lệ nghèo giảm trung bình 1-2%/năm, đến nay chỉ còn 10% hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn mới. Cùng với đó, số người hưởng trợ cấp xã hội không ngừng tăng với khoảng 3,4 triệu người hưởng hàng tháng, giải quyết chính sách trợ cấp cho người cao tuổi (trên 80 tuổi trở lên), người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đều được hưởng trợ cấp. Toàn bộ trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa đều được trợ cấp xã hội theo quy định…

Bên cạnh những tiến bộ, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam còn chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19, biến động trên thế giới, các tác động từ khí hậu, già hóa dân số... Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng hướng tới an sinh xã hội toàn dân theo tinh thần Hiến pháp 2013 và phát triển an sinh xã hội phải đi liền với phát triển kinh tế. “Chính sách an sinh xã hội cần lấy người dân, NLĐ là trung tâm, dựa trên quyền của người dân và NLĐ; quyền của trẻ em, phát huy tính tự chủ của người dân. Cần thực hiện đồng bộ, ưu tiên người có công với cách mạng, người nghèo, người yếu thế với sự ứng phó linh hoạt…”- ông Hồi chia sẻ.

Đối với lĩnh vực lao động việc làm, cần nghiên cứu và hoàn thiện các tiêu chuẩn về kỹ năng cho tất cả các ngành nghề trong thời gian tới. Đồng thời, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững, bảo đảm việc làm cho nhóm yếu thế, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường kết nối cung cầu lao động trên cơ sở ứng dụng CNTT ở các vùng miền. Bên cạnh đó, cần đảm bảo thực hiện chính sách BHXH, BHYT bền vững với nhiều giải pháp đồng bộ.

Để giúp Việt Nam có thể hoàn thành các mục tiêu về an sinh xã hội, bà Ingrid Christensen- Giám đốc ILO cho biết, ILO cam kết tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới thông qua những khuyến nghị, dự án. “Tôi xin tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của ILO song hành cùng với Chính phủ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH cũng như các đối tác xã hội, để có thể hiện thực hóa được tầm nhìn của Việt Nam đến năm 2030”- bà Ingrid Christensen nói.

Vũ Thu