Print

Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ

Thứ Tư, 27 /04/2022 18:56

Chiều 27/4, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số Quý I/2022. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh- Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Nhiều kết quả nổi bật

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo tổng quát các kết quả thực hiện nhiệm vụ CĐS thực hiện trong quý I/2022. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc triển khai nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban CĐS quốc gia, các chỉ đạo của lãnh đạo Ngành về công tác CĐS, nêu rõ thực hiện cụ thể nhiệm vụ tại các đơn vị trực thuộc. “Ngoài các nhiệm vụ đã triển khai và hoàn thành trong quý I, cần nêu rõ các nhiệm vụ mới, đang triển khai và có kết quả cụ thể, trong Quý I và tháng 4; đồng thời nêu rõ các định hướng trong thời gian tới đây”- Tổng Giám đốc yêu cầu.

Tại Hội nghị, đại diện Trung tâm CNTT- Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo đã báo cáo tóm tắt kết quả triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về CĐS, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo BHXH Việt Nam trong công tác chuyển đổi số của Ngành Quý I/2022.

Trong đó có các kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo Kế hoạch số 27/KH-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022; Triển khai Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm; triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06); triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh BHYT; triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia về liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí, tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp… Thực hiện rà soát, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, trong 25 DVC thuộc Đề án 06 thì BHXH Việt Nam có 5 dịch vụ công có liên quan, trong đó bản điện tử của sổ BHXH, thẻ BHYT, Quyết định về việc hưởng trợ cấp mai táng phí là bắt buộc phải số hóa theo Nghị định 45/2020/NĐ-CP.

Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngày từ khi CSDL này được đưa vào vận hành chính thức và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thực hiện chia sẻ, rà soát thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Tính đến 25/4/2022, hệ thống đã xác thực khoảng 40 triệu thông tin nhân khẩu (trong đó xác thực khi đăng ký tài khoản giao dịch điện tử BHXH là gần 10 triệu) có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 33 triệu lượt thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.

Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai sử dụng CCCD, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT theo Đề án 06, BHXH Việt Nam bắt đầu triển khai thí điểm từ 1/3/2022. Tính đến 25/4/2022, toàn quốc đã có hơn 4.000 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với gần 100.000 lượt tra cứu, trong đó có 49.000 lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp.

Thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của lãnh đạo của Ngành BHXH Việt Nam, tính đến nay, toàn quốc có khoảng 30 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được phê duyệt, tài khoản này dùng để đăng nhập và sử dụng ứng dụng VssID và Cổng DVC BHXH Việt Nam. Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cũng đang tích cực triển khai nhiệm vụ theo các chỉ đạo của Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc về ứng dụng CNTT, CĐS về quản lý dữ liệu, xây dựng phần mềm nghiệp vụ; công tác nhân sự...

Quyết liệt trong triển khai thực hiện

Tại cuộc họp, thành viên Ban Chỉ đạo đã làm rõ một số nội dung đang triển khai, kết quả đạt được và một số tồn tại cần khắc phục để nhiệm vụ CĐS được thực hiện đồng bộ, nhanh và đạt hiệu quả.

Theo đó, liên quan đến xác thực thông tin có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư nhằm triển khai nhiệm vụ triển khai Đề án 06, ông Lê Nguyên Bồng- Giám đốc Trung tâm CNTT đã đề xuất một số giải pháp như xây dựng quy trình chuẩn, tại thời điểm phát sinh số người tham gia phải đảm bảo thông tin và có số CCCD... Theo đó, đối với người tham gia mới có thể cập nhật thông tin qua các đại lý thu, BHXH các địa phương; đối với những người tham gia thông tin chưa đầy đủ thì thông qua ứng dụng VssID để rà soát bổ sung thông tin. Riêng đối với 23 dữ liệu liên quan đến HSSV, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ GD- ĐT và Bộ Công an để bổ sung dữ liệu thông tin...

Vụ trưởng Vụ Tài Chính- Kế toán Nguyễn Thị Thanh Xuân chia sẻ, thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 01/2022/NQ-CP về tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 30%. Nội dung quan trọng cần thực hiện trên VssID là dịch vụ liên quan đến thanh toán gia hạn, đóng nộp BHXH, BHYT. Vụ Tài chính - Kế toán đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan xin ý kiến vào Phụ lục thỏa thuận thanh toán điện tử song phương. ĐỒng thời, đã có Phiếu trình Lãnh đạo Ngành xem xét Phụ lục thỏa thuận để triển khai thí điểm với ngân hàng trong thời gian 6 tháng, sau thời gian thực hiện thí điểm, các Vụ, Ban liên quan sẽ phối hợp tổng kết đánh giá để có cơ sở triển khai mở rộng.

Đối với các nhiệm vụ liên quan đến Văn phòng BHXH Việt Nam, ông Chu Mạnh Sinh- Chánh Văn phòng cho biết, đến nay Văn phòng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát, sửa đổi thành phần hồ sơ, trình tự thực hiện... của các DVC: Đăng ký đóng BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT và Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; trình Lãnh đạo Ngành ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 896/QĐ-BHXH ngày 16/9/2021 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành Danh mục DVC trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam.

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHXH, hiện Ban đang xây dựng quy trình nghiệp vụ nội bộ để triển khai việc giải quyết hưởng hỗ trợ mai táng phí thuộc nhóm thủ tục liên thông “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí”. Đồng thời, xây dựng quy trình để tiếp nhận bản điện tử Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp trên môi trường điện tử đối với DVC trực tuyến Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng DVC quốc gia.

Thực hiện nhiệm vụ CĐS, ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến đã triển khai tối ưu hoá các các quy trình nghiệp vụ, trong đó, đảm bảo thực hiện theo một tiêu chí thống nhất, giảm tối đa thao tác thủ công. Cùng với đó, Trung tâm cũng đang xây dựng các chỉ tiêu thống kê về BHYT dự kiến tích hợp dữ liệu mở đó trên Cổng TTĐT của Ngành đáp ứng yêu cầu thực hiện phát triển xã hội số, kinh tế số, phục vụ nhu cầu của người dân.

Liên quan xây dựng phần mềm nhận diện hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, Vụ trưởng Vụ Thanh tra- Kiểm tra Lò Quân Hiệp cho biết, ngay khi nhận được sự chỉ đạo về việc xây dựng phần mềm nhận diện hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, Vụ Thanh tra-Kiểm tra đã phối hợp với Trung tâm CNTT, Ban Quản lý dự án CNTT và một số đơn vị liên quan nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng phần mềm. Đến nay, cơ bản đã đưa triển khai thực hiện với 6 tiêu chí nhận diện. Cùng với đó, phần mềm cũng tự động cập nhật, phân tích dữ liệu, đưa ra các chỉ số cảnh báo có dấu hiệu rủi ro trong nghiệp vụ. Phần mềm này cũng có tính năng cập nhật, bổ sung, làm giàu thêm các dấu hiệu nhận diện vi phạm mới. Thời gian tới, Vụ sẽ tiếp tục bổ sung các tiêu chí nhận diện dấu hiệu vi phạm theo đúng tiến độ đề ra...

Nhận thức về CĐS đã có sự thống nhất, đồng bộ

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đề nghị các đơn vị hoàn thiện, xây dựng kế hoạch CĐS của lĩnh vực theo chỉ đạo của Ngành. Vụ Pháp chế rà soát lại toàn bộ quy trình để thực hiện Đề án 06 với 5 DVC thiết yếu của Ngành. Các đơn vị nghiệp vụ cũng thực hiện tái cấu trục lại các nghiệp vụ theo yêu cầu của Đề án 06 với 3 quy trình về nghiệp vụ, quy trình giải quyết thủ tục hành chính và quy trình hướng dẫn về kỹ thuật.

Đồng tình với ý kiến của Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh “trúng và đúng”, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn yêu cầu, các đơn vị lên phương án CĐS cho từng đơn vị từ đề án đã xây dựng theo chỉ đạo của lãnh đạo Ngành. Trong xây dựng CSDL về bảo hiểm có nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, hoàn thành trước thời hạn, tuy nhiên vẫn có một số vướng mắc liên quan đến lĩnh vực lao động, y tế, vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh trao đổi, phối hợp, cũng như báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về CĐS để đảm bảo tiến độ, chất lượng. Về Đề án 06, các đơn vị cần khẩn trương tái cấu trúc lại các quy trình nghiệp vụ để cung cấp cho Trung tâm CNTT. Với bài toán nhân lực về CNTT cũng cần có giải pháp mang tính đặc thù để thu hút, tuyển dụng đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đề nghị, Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu xây đề xuất xây dựng, sửa đổi các quy định liên quan đến CNTT, giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT thất nghiệp để trang bị căn cứ pháp lý cho các quy trình nghiệp vụ của Ngành đáp ứng yêu cầu đặt ra của nhiệm vụ CĐS.

Biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ CĐS, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh- Trưởng ban Chỉ đạo nhận định, trong quý I/2022, công tác CĐS của ngành BHXH Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh, có chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức của người đứng đầu đến từng cán bộ; từ Trung ương đến địa phương về tầm quan trọng của CĐS. “Các đơn vị trong toàn Ngành đã chủ động, quyết liệt để CĐS với mục tiêu phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ngày càng tốt hơn”- Tổng Giám đốc nói.

Tuy nhiên, nhắc nhở một số đơn vị vẫn chưa thực sự tập trung, trách nhiệm, Tổng Giám đốc cho rằng, cần phải chấn chỉnh và triển khai mạnh mẽ hơn nữa mới có thể đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Về nhiệm vụ thời gian tới, nhất trí với ý kiến của các Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc với thời gian, tiến độ, trách nhiệm cụ thể.

Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam nhấn mạnh: “Các đơn vị trực thuộc phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện đề án về CĐS tại từng đơn vị trước ngày 15/5/2022, hoàn thành tái cấu trúc quy trình của 5 DVC thiết yếu của Ngành theo Đề án số 06”.

Đồng thời, liên quan đến quy trình tham gia về tính giảm trừ mức đóng BHYT hộ gia đình, phải tạo điều kiện tối đa cho người dân với thủ tục đơn giản, thuận tiện, không để người dân phải đi lại, đóng nộp nhiều lần. Đẩy nhanh việc đồng bộ, xác thực CSDL của Ngành với CSDL về dân cư hoàn thành trong năm 2022. Tiếp tục điều chỉnh, nâng cấp các phần mềm; triển khai kết nối, tích hợp các DVC trực tuyến đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu tại Đề án 06 và các Quyết định của Chính phủ. Nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Ngành chính sách tuyển dụng cán bộ CNTT chất lượng cao với chế độ đãi ngộ theo đúng quy định. Rà soát các quy định của pháp luật, quy định của Ngành, tổng hợp đề xuất các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống văn bản tổ chức thực hiện phục vụ cho việc triển khai TTHC, DVC, dịch vụ thanh toán trực tuyến của Ngành, tính pháp lý của kết quả giải quyết TTHC bản điện tử để áp dụng trong thực tế.

“Toàn Ngành phải quyết liệt, nỗ lực hơn nữa trong công tác CĐS. Phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải thực hiện, không ai được đứng ngoài cuộc vì sự mong mỏi của người dân, đòi hỏi của thực tiễn, qua đó giúp việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của Ngành ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Bích Thủy