Print

Tăng chất lượng nguồn nhân lực- yếu tố nâng cao năng suất lao động

Thứ Bảy, 30 /04/2022 15:37

Yếu tố then chốt đóng góp cho sự tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong hai thập kỷ qua là sự chuyển dịch từ nông trại sang nhà máy. Song vấn đề quan trọng hiện nay là tăng chất lượng nguồn nhân lực thì mới nâng cao năng suất lao động.

Với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã theo Nghị quyết 11/NQ-CP đã giúp một bộ phận NLĐ sớm quay trở lại thị trường lao động và đã làm cho thị trường lao động quý I/2022 khởi sắc hơn. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi của quý I/2022 khoảng 1,3 triệu người (giảm 135,2 nghìn) người so với quý trước. Thu nhập bình quân hằng tháng của NLĐ 6,4 triệu đồng (tăng 1 triệu đồng) so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, thị trường lao động đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống NLĐ được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của NLĐ có sự phục hồi mạnh mẽ.

Bà Valentina Barcucci- chuyên gia kinh tế lao động (ILO tại Việt Nam) phân tích, năm 2000 có 65,3% lực lượng lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đến năm 2020 tỷ trọng 2/3 thuộc lĩnh vực nông nghiệp đó đã giảm xuống còn 37,2%- tăng thêm lao động cho lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Trước đây lĩnh vực nông nghiệp tuyển dụng nhiều lao động nhất thì sau hai thập niên lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp tuyển dụng số lao động gần tương đương nhau (lần lượt là 37,3% và 37,2%) và theo sát là lĩnh vực công nghiệp (25,5%). Việt Nam khó áp dụng những thế mạnh từng giúp trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp để đạt bước phát triển tiếp theo. Ngành công nghiệp chế tạo với giá trị gia tăng thấp chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực FDI hiện tại đã và đang là công cụ khởi đầu cho tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới để thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và để đạt được sự hiện đại hóa, công nghiệp hóa cũng như tăng trưởng bền vững. Điều này cũng đòi hỏi một thị trường lao động được hiện đại hóa. Một yếu tố then chốt đóng góp cho sự tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong hai thập kỷ qua là sự chuyển dịch từ nông trại sang nhà máy. Tuy nhiên, có lẽ Việt Nam đã gần chạm đến điểm cận biên để sự chuyển dịch này có thể tiếp tục góp phần tăng năng suất và vấn đề quan trọng là phải tìm kiếm các giải pháp mới để tăng năng suất lao động.

Theo ông Bùi Quang Tuấn- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năng suất lao động Việt Nam dù đã được cải thiện trong giai đoạn 2016- 2020, song vẫn bị tụt hậu, thấp so với nhiều nước trong khu vực, thua xa Singapore, Malaysia, Thái Lan hay cả Indonesia. Những yếu tố làm cho năng suất lao động của Việt Nam thấp là cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu, chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp chưa cao…

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thúy Quỳnh- Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), nguồn nhân lực luôn là một yếu tố tạo nên sự thành công của mọi tổ chức, quốc gia. Đây là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác trong hệ thống các nguồn lực. Việt Nam đang có lợi thế với lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Tuy nhiên, nhân lực còn yếu về chất lượng, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, lao động thiếu năng động và sáng tạo, tác phong chuyên nghiệp…

Chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá thông qua nhiều yếu tố như trí lực, thể lực, dân số. Việc cải thiện trí lực phụ thuộc vào sự nâng cao trình độ giáo dục- đào tạo. Việc cải thiện thể lực phục thuộc vào tình trạng sức khỏe và y tế. Trong khi đó, quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số lại ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng và chất lượng lao động của mỗi quốc gia. Dân số và sự chăm sóc y tế- sức khỏe có mối quan hệ mật thiết với nhau- điều kiện chăm sóc y tế có tốt thì sức khỏe của người dân mới tăng cường, qua đó các chỉ số liên quan đến dân số như tốc độ tăng dân số- phản ánh gián tiếp tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử; tuổi thọ trung bình của người dân… sẽ được cải thiện hơn.

Khoa học và công nghệ có tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, làm thay đổi quá trình tổ chức, trình độ chuyên môn và là động lực thúc đẩy người lao động không ngừng học hỏi, tự đào tạo, tự trao dồi kiến thức. Vì vậy, Việt Nam cần đào tạo, bồi dưỡng thu hút các nhân tài nhằm tạo ra một đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa có năng lực giỏi phục vụ sự nghiệp cách mạng công nghiệp của đất nước.

Hồng Nguyễn