Print

Khoảng trống chính sách với lao động ngành đánh bắt thủy sản

Thứ Bảy, 30 /04/2022 15:48

Báo cáo Biển động: Tác động của Covid -19 đối với lao động làm việc trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản ở Đông Nam Á” của ILO cho thấy lao động ngành thủy sản bị nằm ngoài lưới ASXH, chưa được tiếp cận với các chế độ ASXH, trợ cấp thất nghiệp.

Theo ILO, đại dịch Covid-19 dẫn đến mất việc làm, thu nhập và sinh kế trên quy mô toàn ngành thủy sản Đông Nam Á. Lĩnh vực đánh bắt thủy sản ghi nhận mức sụt giảm việc làm và thời giờ làm việc tính trên mỗi lao động đáng kể trong năm 2020. Thái Lan là quốc gia ghi nhận mức giảm lớn nhất, xấp xỉ -15,4%, kế đến là Philippines -9,1%. Mức suy giảm việc làm ở Việt Nam thấp hơn đáng kể, chỉ ở mức -1,6%. Covid -19 cũng làm gia tăng tình trạng bấp bênh của ngành đánh bắt thủy sản nơi không gian làm việc là tàu cá ngoài khơi, thiếu trang thiết bị bảo hộ cá nhân và khả năng tiếp cận chăm sóc y tế hạn chế khiến ngư dân phải đối diện với nguy cơ cao hơn.

Báo cáo đã cho thấy tác động của Covid-19 đối với lao động di cư đánh bắt và chế biến thủy sản đã và đang trở nên trầm trọng hơn khi họ không thuộc diện bao phủ của các chương trình cứu trợ của chính phủ, không được hưởng các chế độ an sinh xã hội và trợ cấp thất nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng. Đặc biệt, NLĐ bị “đưa ra ngoài tầm mắt” bằng các chính sách quy định hạn chế sự tự do di chuyển của họ, hoặc do khó kiểm soát địa điểm nơi họ làm việc (tại các tàu cá).

Giám đốc điều hành Dự án Đối thoại Mới của Đại học Cornell, Jason Judd cho biết, nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực đánh bắt cá và thủy sản ở Đông Nam Á trước đó đã phải đối diện với tình trạng khó khăn rồi. Vấn đề bảo hộ lao động và thực thi pháp luật đối với lao động sở tại và lao động di cư từ trước đến nay vẫn luôn yếu kém. Đại dịch Covid-19 là một phép thử khả năng đáp ứng của những biện pháp bảo vệ này và nghiên cứu mới này cho thấy còn rất nhiều việc phải làm.

Giám đốc Văn phòng ILO khu vực Châu Á- Thái Bình Dương Chihoko Asada-Miyakawa cũng cho hay đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến ngành công nghiệp đánh bắt và chế biến thủy sản ở Đông Nam Á và lao động di cư là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cần phải tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế và các chính sách bao trùm của chính phủ để giải quyết những khoảng trống trong đảm bảo cơ chế bảo vệ cơ bản đối với NLĐ. Người SDLĐ không ưu tiên bảo đảm an toàn và sức khỏe cho NLĐ trong khi các phương án thay thế để giảm quy mô thủy thủ đoàn lại dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc trên tàu, khiến các tình huống nguy hiểm trở nên tồi tệ hơn.

Một yếu tố dẫn đến tình trạng này là việc thiếu các dữ liệu đáng tin cậy nói chung về lực lượng lao động và các điều khoản, điều kiện mà họ làm việc. Báo cáo kêu gọi tăng cường tính minh bạch trong các thực hành của doanh nghiệp cũng như cải thiện việc thu thập và công bố dữ liệu về NLĐ, đặc biệt là lao động làm việc trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản. Điều này đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo đối tượng lao động này không bị rơi vào điểm mù chính sách trong thời kỳ đại dịch và sau đại dịch. “Đại dịch đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, làm gián đoạn các xã hội và nền kinh tế của chúng ta. Đại dịch còn gây thiệt hại lớn hơn đối với các thành phần dễ bị tổn thương nhất của xã hội như báo cáo đã nêu. Công cuộc phục hồi sau đại dịch Covid-19 mang lại cho chúng ta những cơ hội tích cực để đưa các nguyên tắc phát triển bền vững vào các chính sách công và cuộc sống hàng ngày. EU cam kết hỗ trợ các quốc gia đối tác trong những nỗ lực phục hồi sau Covid-19”- Phó Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Vương quốc Thái Lan Giuseppe Busini cho hay.

Nguyệt Hà