Print

KCB BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp: Hiệu quả bước đầu

Thứ Hai, 02 /05/2022 06:16

Việc triển khai KCB BHYT bằng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, mà còn giúp giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế. Song, việc triển khai thực hiện tại nhiều nơi vẫn còn chậm và thiếu đồng bộ.

Nhanh gọn, thuận tiện và chính xác

Từ ngày 1/3/2022, tỉnh Hải Dương đồng loạt triển khai thí điểm KCB BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp. Theo ghi nhận, đến nay các TTYT huyện đã triển khai việc này như: TP.Hải Dương, Kinh Môn, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc... Bên cạnh đó, một số BV tuyến tỉnh như BV Nhi Hải Dương, BV Phục hồi chức năng, BV Bệnh nhiệt đới; đặc biệt BVĐK Hòa Bình và một vài PK tư nhân cũng đã triển khai thực hiện.

Bị đau thần kinh nhiều năm nay, nên chị Vũ Thị Huyên (xã Ngọc Sơn, TP.Hải Dương) thường xuyên phải đi KCB tại TTYT Thành phố. Mới đây, sau khi được hướng dẫn, chị Huyên đã sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ BHYT giấy để làm thủ tục KCB. “Chỉ trong 1-2 phút, tôi đã được hướng dẫn đi khám. Như vậy, thay vì phải mang nhiều giấy tờ như trước, giờ đây tôi chỉ cần mang thẻ CCCD để làm thủ tục rất nhanh gọn, chứ không phải đợi nhân viên y tế tra cứu thông tin, đối chiếu giấy tờ, xem mặt như trước. Tôi rất cảm ơn các ngành chuyên môn tạo điều kiện cho người dân chúng tôi”- chị Huyên chia sẻ.

Còn tại Lạng Sơn, mới 7h30 phút sáng 28/3, Khoa Khám bệnh (BVĐK tỉnh) đã rất đông bệnh nhân chờ test COVID-19 để vào khám. Sau khi có kết quả âm tính, bà Chu Thị Tươi (phường Chi Lăng, TP.Lạng Sơn) vào làm thủ tục khám bệnh. Vừa xuất trình CCCD, bà Tươi vừa cho biết: “Tôi đến khám bệnh thì được cán bộ y tế hướng dẫn thủ tục, giấy tờ, nên thủ tục KCB rất nhanh chóng. Từ khi cài đặt ứng dụng VssID, tôi rất ít khi mang theo thẻ BHYT; nay lại có chủ trương KCB bằng CCCD thì càng tiện lợi hơn cho người dân, vì đây là giấy tờ tùy thân mà hầu hết ai cũng mang theo”.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Thương (BVĐK tỉnh Lạng Sơn) cho biết, thẻ CCCD có gắn chíp đã được tích hợp đồng bộ dữ liệu, nên thủ tục KCB rất nhanh. Đặc biệt, trong những lần đi KCB sau này, chỉ cần nhớ mã số trên CCCD cũng dễ dàng làm được thủ tục KCB. Còn đối với trường hợp CCCD chưa tích hợp thông tin, cán bộ y tế sẽ giải thích để người bệnh biết và thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành là xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền

Ông Phan Nhật Minh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương nhận định, việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp có nhiều thuận lợi. Đặc biệt, cán bộ giám định sẽ dễ dàng phối hợp với các đơn vị để giải quyết nếu có vướng mắc phát sinh... Tuy nhiên, theo ông Minh, thực tế cho thấy, có không ít CCCD của người dân chưa hiển thị thông tin, do đang trong quá trình đồng bộ thông tin. “Họ tên của công dân khi quét CCCD gắn chíp qua đầu đọc cũng bị lỗi phông chữ. Chúng tôi đã báo cáo BHXH Việt Nam để phối hợp với Bộ Công an tìm nguyên nhân và khắc phục”- ông Minh nói.

Còn theo ông Trần Anh Hùng- Trưởng phòng CNTT (BV ĐH Y dược Huế), sử dụng CCCD đi KCB rất thuận lợi cho người bệnh, nhất là giảm thiểu thời gian nhập liệu cho nhân viên đón tiếp và hạn chế sai sót. Một người bệnh chỉ có một CCCD gắn chíp, nên việc xác định định danh cá nhân sẽ giúp ích việc theo dõi hồ sơ khám bệnh. Còn bệnh nhân cũng dễ dàng biết được mức hưởng, giá trị thẻ, mà không cần qua bước trung gian nào; đồng thời không phải kiểm tra giấy tờ tùy thân của người bệnh.

Ông Hùng thông tin thêm, hiện nay, việc sử dụng CCCD gắn chíp cũng có một số hạn chế như: Mã QR trên thẻ CCCD quá bé, nên chỉ cần mã này bị mờ hoặc mất nét sẽ khó đọc được bằng máy, khiến BV phải nhập thủ công. Một số thẻ CCCD gắn chíp vẫn chưa quản lý được mã số BHYT, không có thông tin gắn với mã thẻ BHYT trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam.

Nguyệt Hà