Print

Bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025: Cần sự đồng lòng và quyết tâm nhiều hơn

Thứ Hai, 02 /05/2022 07:11

Cuối tháng 4/2022 vừa qua, tại Quyết định 546, Chính phủ đã giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025 đối với 63 tỉnh, thành. Đây vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở pháp lý giúp chính quyền các địa phương- với sự tham mưu của BHXH các tỉnh, thành phố, sớm xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Gần chạm ngưỡng bao phủ toàn dân

Theo Quyết định 546, Chính phủ đặt ra chỉ tiêu bao phủ BHYT đến hết năm 2022 đạt 92,6% so với tổng dân số, đến hết năm 2023 đạt 93,2%, đến hết năm 2024 đạt 94,1% và đến hết năm 2025 đạt 95,15%. Quyết định 546 cũng giao chi tiết chỉ tiêu bao phủ BHYT qua từng năm, từ 2022 đến 2025, đối với từng địa phương trên cả nước. Căn cứ trên thực tế đạt được trong những năm qua và gần đây nhất là năm 2020 và 2021, có địa phương được giao chỉ tiêu cao hơn trung bình cả nước (năm 2022 giao Bắc Kạn 97%, Bình Định 96%, Bắc Ninh 95,45%, Trà Vinh 94,65%, Quảng Ngãi 95,05%...).

Đại diện BHXH tỉnh Kon Tum và Phó Chủ tịch xã Hòa Bình vận động bà con tham gia BHYT hộ gia đình

Trước đó, hồi giữa năm 2016, tại Quyết định 1167, Chính phủ cũng giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2016-2020 đối với 63 tỉnh, thành cả nước. Tại thời điểm 2016, Bắc Kạn được giao 93,9%, Bình Định 75,8%, Bắc Ninh 81%, Trà Vinh 83%, Quảng Ngãi 81,6%...). Riêng tỷ lệ bao phủ BHYT, tại Quyết định 1167, Chính phủ đặt ra chỉ tiêu như sau: Năm 2016 đạt 79%, năm 2017 đạt 82,2%, năm 2018 đạt 85,2%, năm 2019 đạt 88,1% và năm 2020 đạt 90,7%. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tỷ lệ bao phủ BHYT được Chính phủ giao đều đạt.

Hồi năm 2020, BHXH Việt Nam thống kê tỷ lệ bao phủ BHYT trong cả nước đạt 90,85%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Điều này cho thấy, hệ thống chính trị tại các tỉnh, thành trên cả nước đã chung sức đồng hành cùng hệ thống BHXH các địa phương, triển khai thực hiện hiệu quả công tác dệt lưới an sinh.

Hồi hạ tuần tháng 4/2022 vừa qua, tại hội thảo tham vấn kinh nghiệm quốc tế về sửa đổi Luật BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhận định rằng: Trong chặng đường 30 năm triển khai thực hiện chính sách BHYT, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ bao phủ tăng dần qua các năm và đảm bảo mục tiêu bao phủ toàn dân, quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế.

“Nếu như các năm 2009 và 2015, độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến năm 2021 độ bao phủ đã đạt 91% dân số. Đây là một trong những thành tựu có sự đóng góp không nhỏ của ngành BHXH Việt Nam”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn chia sẻ.

Đồng ý với đánh giá của đại diện BHXH Việt Nam, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam- ông Kidong Park, nói rằng “Việt Nam hiện đã có 91% dân số tham gia BHYT, đây là một thành tích đáng ghi nhận”. Tuy nhiên, theo ông Kidong Park, Việt Nam vẫn cần phấn đấu đạt 100% tỷ lệ bao phủ BHYT, nghĩa là đạt hơn 9% dân số còn lại, cũng như duy trì mức bao phủ hiện tại một cách bền vững- coi đây là một ưu tiên trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT.

Không ít thách thức

Phát triển người tham gia BHYT là hành trình thay đổi hành vi cộng đồng, trong đó truyền thông, vận động đóng vai trò nòng cốt. Theo nguyên lý xã hội học, số đông “thiện cảm” với chính sách BHYT sẽ “thiện chí” tham gia lưới an sinh như một ưu tiên chi tiêu trong nhịp sinh hoạt cá nhân và gia đình. Số ít còn lại “khó tính” hơn, vì nhiều lý do, sẽ trì hoãn tham gia BHYT.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp trực tiếp về các xã chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT

Theo số liệu thống kê từ cuối năm 2021, Việt Nam vẫn còn 9% dân số trì hoãn tham gia BHYT. Đối với công tác dệt lưới an sinh, đây là nhóm cộng đồng không chỉ “khó tính”, mà còn khó tiếp cận và vận động. Đây chính là thách thức đầu tiên trong nhiệm vụ triển khai thực hiện Quyết định 546 của Chính phủ.

Một số chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS, người dân xã bãi ngang... tham gia BHYT tới thời điểm này đã hết hiệu lực. Vì vậy, những người này phải rời lưới an sinh. Do đó, trong năm 2022 này, ngoài nhóm cộng đồng trì hoãn tham gia BHYT, nhiều địa phương còn phải tập trung truyền thông, vận động giúp bà con tái nhập lưới an sinh với BHYT hộ gia đình. Đây là thách thức thứ hai trong nhiệm vụ triển khai thực hiện Quyết định 546 của Chính phủ.

Sớm nhận diện được những khó khăn trong công tác dệt lưới an sinh kể từ khi cả nước tiệm cận bao phủ BHYT toàn dân với tỷ lệ 90% hồi năm 2020, BHXH Việt Nam đã thiết lập đơn vị Truyền thông và Phát triển đối tượng trong hệ thống BHXH các tỉnh, thành. Đây là động thái “đón đầu” dù khó khăn, nhưng rất kịp thời của BHXH Việt Nam.

Song, tới thời điểm này, nhân lực thực hiện nhiệm vụ truyền thông và phát triển đối tượng quá mỏng so với nhiệm vụ được giao. Một trong những lý do chính của vấn đề này là biên chế ngành BHXH Việt Nam ngày càng giảm trong hơn 7 năm trở lại đây. Đó cũng là thách thức thứ ba trong nhiệm vụ triển khai thực hiện Quyết định 546 của Chính phủ.

Với những thách thức cơ bản nói trên, cùng những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện sứ mệnh dệt lưới an sinh từ nay đến hết năm 2025, toàn hệ thống BHXH Việt Nam ở 63 tỉnh, thành phố, từ tỉnh đến huyện, rất cần sự quan tâm chỉ đạo, chung tay vào cuộc từ cấp ủy, chính quyền các cấp.

Chỉ khi có được sự quyết tâm và đồng lòng từ cả hệ thống chính trị, từ cấp cao nhất đến tận cơ sở, hệ thống BHXH cả nước mới có thể vượt thách thức để tham mưu kịp thời, triển khai hiệu quả công tác BHYT, hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao tại Quyết định 546.

Đỗ Bá