Print

Tháng Công nhân năm 2022: Tăng lương tối thiểu cũng chính là đầu tư cho sản xuất

Thứ Hai, 02 /05/2022 09:16

Việc tăng lương tối thiểu vùng trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế có ý nghĩa to lớn, tạo động lực để NLĐ tiếp tục cống hiến, đồng hành cùng DN sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tiền lương cần tương xứng với năng suất lao động

Theo thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), công nhân trong DN hiện nay chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đã đóng góp trên 75% cho ngân sách và trên 65% GDP của cả nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm việc làm, nâng cao mức sống và từng bước cải thiện điều kiện làm việc của công nhân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách kéo dài chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng. Đặc biệt, qua hơn 2 năm đại dịch diễn ra, những vấn đề đó càng thể hiện rõ như: Tiền lương thấp và thiếu tích lũy; việc làm, thu nhập bấp bênh; nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn; an sinh và phúc lợi xã hội thiếu bảo đảm.

TS.Nhạc Phan Linh- Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, ở Việt Nam, mức lương tối thiểu vùng được thiết lập chủ yếu chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu về mặt sinh học. Tuy nhiên, với "cú sốc" như đại dịch Covid-19 và tình trạng tăng giá như hiện nay đặt ra yêu cầu cần tính toán và xây dựng mức lương đủ để bảo đảm cuộc sống cho NLĐ. Mức lương tối thiểu thấp khiến NLĐ bị vắt kiệt sức lao động, buộc phải đăng ký tăng ca, làm thêm để có thể duy trì cuộc sống tối thiểu (hầu như không có tích lũy, dự phòng). Những vấn đề về thời giờ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc, giáo dục con cái, chăm sóc cha mẹ, thụ hưởng giá trị cuộc sống và thành quả lao động… gần như chưa được đưa vào một cách đầy đủ để tính toán mức lương tối thiểu vùng.

Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu về lao động, việc làm, TS.Vũ Minh Tiến cho rằng, công nhân lao động phải được bảo đảm cuộc sống, nghĩa là sống để làm việc, chứ không phải làm việc để sống. Do đó, họ cần được bảo đảm tiền lương để chi trả cuộc sống bản thân và gia đình họ, chứ không bị vấn đề "cơm áo gạo tiền" luôn đè nặng trong tâm trí. “Khi tiền lương được quan tâm và tương xứng với năng suất, sự cống hiến thì NLĐ sẵn sàng làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả, mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho DN”- ông Tiến khẳng định.

Còn theo bà Trần Thị Hồng Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tiền lương đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước cũng như DN. Để có chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta phải có đội ngũ lao động tốt, nghĩa là phải chăm sóc để NLĐ có cuộc sống tốt, nâng cao trình độ. Tiền lương là giải pháp đầu tiên để đạt được mục tiêu đó. Do đó, dù tăng lương là tăng chi phí cho DN, nhưng đó chính là khoản đầu tư sinh lời mạnh, giúp NLĐ có thêm hứng thú và động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giúp DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn.

Cân đối hài hòa lợi ích giữa DN và NLĐ

Tại Phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa qua, tất cả 17 thành viên Hội đồng đã đồng ý tăng lương tối thiểu thêm 6%, trong đó có 15 phiếu đồng ý tăng từ ngày 1/7/2022 và 2 phiếu đồng ý tăng từ ngày 1/1/2023. Hội đồng đã báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2022 và có thể báo cáo thêm nội dung các phiên thảo luận để tham khảo. Nhiều DN ủng hộ nhưng vẫn còn những ý kiến cho rằng, việc xác định thời gian tăng lương chưa phù hợp do quá gấp, DN chỉ còn khoảng 2 tháng để chuẩn bị cho việc tăng lương.

Ông Đặng Tuấn Tú- Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai) chia sẻ, Công ty có trên 30.000 công nhân lao động cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, nhưng lãnh đạo Công ty rất ủng hộ việc tăng lương trong thời điểm này, vì NLĐ cần được động viên kịp thời sau một quãng thời gian bị thiếu hụt thu nhập... “Lúc này cần quan tâm tới NLĐ nhất, tăng thời điểm này là hợp lý. Hiện nay, DN của chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn kế hoạch để tăng lương cho NLĐ, kèm theo đó là các hoạt động chăm lo cho NLĐ trong Tháng Công nhân”- ông Tú cho biết.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm cũng cho rằng, tăng lương sớm có lợi cho đôi bên, dù DN gặp khó khăn ban đầu trong sản xuất. Các hiệp hội DN có quyền kiến nghị, song phương án đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định dựa trên số phiếu của đông đảo thành viên, việc còn lại là trình Chính phủ thông qua. Nhiều ý kiến phân tích, DN cần khắc phục khó khăn trước mắt để chuẩn bị cho thời điểm tăng lương từ ngày 1/7/2022, bởi đây cũng là cách giữ chân lao động ở lại nhà máy trong bối cảnh thiếu hụt nhân công.\

Phân tích dưới góc độ của tổ chức Công đoàn, ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, vừa tạo điều kiện cho NLĐ sớm cải thiện cuộc sống, vừa hỗ trợ tích cực cho hai bên trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động tập thể, đình công phát sinh. Việc này được thực hiện sớm cũng góp phần động viên tinh thần NLĐ, giảm thiểu tình trạng ngừng việc tập thể và quan trọng hơn là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định cả trước mắt lẫn lâu dài.

Bên cạnh đó, tăng lương tối thiểu vùng thời điểm hiện nay là phù hợp, đáp ứng mong muốn của NLĐ, do sau đại dịch Covid-19, cuộc sống NLĐ gặp rất nhiều khó khăn khi các chi phí thiết yếu như xăng dầu, vật giá... đều tăng. Tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ vừa để bù trượt giá, vừa cơ bản bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, bù đắp cho các khoản sinh hoạt phí khác tăng cao trong thời gian qua. Quan trọng hơn, việc tăng lương tối thiểu vùng sớm cũng được xem là giải pháp thu hút NLĐ trở lại các DN, nhà máy sản xuất để tiếp tục làm việc sau thời gian phải trở về quê tránh dịch…

Vũ Thu