Print

Khoảng 124 triệu người trên toàn cầu nghèo cùng cực vì Covid-19

Thứ Tư, 04 /05/2022 12:53

 

Đại dịch Covid-19 đã đẩy khoảng 124 triệu công dân toàn cầu vào vòng xoáy của tình trạng nghèo cùng cực. Đây có thể nói là thời điểm gia tăng mạnh nhất tình trạng nghèo cùng cực trong hai thập kỷ qua. Khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người dân, nhất là phụ nữ.

Cụ thể, Covid-19 là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận phụ nữ thất nghiệp hoặc buộc phải chuyển sang khu vực lao động phi chính thức. Sau đại dịch, theo con số chưa chính thức, khoảng 95% phụ nữ có việc làm ở châu Á và 89% phụ nữ có việc làm ở châu Phi cận Sahara làm việc trong khu vực phi chính thức, chưa hoặc không được đảm bảo đầy đủ quyền lợi lao động. Trước tình trạng này, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, việc hỗ trợ tiền mặt có mục tiêu cho phụ nữ nghèo là một trong những phương thức cần thiết để các quốc gia củng cố nền kinh tế ổn định hơn sau đại dịch.

Để đối phó với mức độ khó khăn tài chính ngày càng tăng trên toàn cầu, các Chính phủ trên khắp thế giới đã triển khai nhiều chương trình bảo trợ xã hội khác nhau. Trong đó, hỗ trợ tiền mặt chiếm khoảng 33%. Tuy nhiên, ở các quốc gia thu nhập thấp, hỗ trợ tiền mặt bao phủ chỉ đạt dưới 5% dân số, thấp hơn 6 lần so với các quốc gia có thu nhập cao. Về phía các quỹ, tổ chức phi chính phủ, Quỹ Bill và Melinda Gates (The Bill and Melinda Gates Foundation), Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group), Nhóm Tư vấn Hỗ trợ Người nghèo và Phụ nữ (Consultative Group to Assist the Poor and Women’s World Banking) đã cùng đưa ra Khung D3 về trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Khía cạnh “số hóa” đề cập đến việc sử dụng hệ thống công nghệ phù hợp nhất để chuyển tiền hỗ trợ cho phụ nữ thông qua việc sử dụng điện thoại di động hoặc thẻ ngân hàng của họ.

Ví dụ như ở Brazil, Chương trình Programa Bolsa Familia có hơn 46,9 triệu người đăng ký tài khoản, phụ nữ chiếm 93% số người đăng ký tham gia. Togo, quốc gia Tây Phi ra mắt NOVISSI, hệ thống thanh toán kỹ thuật số để chi trả cho người dân các khoản hỗ trợ tài chính từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19; đến nay, trong 2 giai đoạn của Chương trình, NOVISSI chuyển khoản 34 triệu USD cho ¼ dân số Togo tại 200 quận, huyện nghèo nhất cả nước. Ấn Độ hỗ trợ phụ nữ nghèo bằng cách chuyển tiền trực tiếp vào PMJDY, tài khoản dành cho những công dân chưa có tài khoản ngân hàng; kết quả là, chỉ trong vòng 1 tuần, Ấn Độ phân phối 3 tháng tiền hỗ trợ cho khoảng 200 triệu phụ nữ có thu nhập thấp”.

Hiện tại, chưa có nhiều tài liệu phân tích sâu theo giới tính liên quan đến lợi ích của các chương trình hỗ trợ tiền mặt. Tuy nhiên, đã có dữ liệu khẳng định việc hỗ trợ tiền mặt cho phụ nữ, trẻ em gái nghèo đem đến nhiều hiệu quả. Các nghiên cứu gần đây chứng minh rằng, hỗ trợ tiền mặt có thể giúp trẻ em gái tiếp tục việc học hành, trì hoãn tình trạng tảo hôn và mang thai sớm; với phụ nữ, giúp cải thiện địa vị xã hội, giảm bạo lực gia đình, xây dựng sự nghiệp riêng. Vì vậy, Nhóm Ngân hàng Thế giới, cũng như các quỹ, tổ chức phi chính phủ đã và đang kêu gọi các Chính phủ, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp, thiết lập các chương trình hỗ trợ tiền mặt cho phụ nữ nghèo. Việc kịp thời hỗ trợ họ về kinh tế, sẽ góp phần giúp các gia đình, cũng như các quốc gia, củng cố kinh tế, ổn định đời sống sau đại dịch.

Tùng Anh (Theo WBG)