Print

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng thương lượng và thực hiện Thỏa ước Lao động tập thể

Thứ Tư, 04 /05/2022 15:20

Sáng 4/5, LĐLĐ TP.Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác thương lượng, ký kết, thực hiện Thỏa ước Lao động tập thể”.

Theo ông Lê Đình Hùng- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Công đoàn TP.Hà Nội lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2018-2023) đã đề ra mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ có 75% số DN có tổ chức Công đoàn ký kết Thỏa ước Lao động tập thể. Tuy nhiên, đến nay, sau 4 năm triển khai, toàn thành phố mới có trên 40% DN có tổ chức Công đoàn thực hiện được mục tiêu trên.

Do đó, để đạt chỉ tiêu đề ra, trong năm 2022, LĐLĐ Thành phố giao chỉ tiêu tới các cấp Công đoàn Thủ đô phải thương lượng, ký kết mới 1.700 bản Thỏa ước Lao động tập thể. Bên cạnh đó, LĐLĐ Thành phố cũng luôn xác định hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước Lao động tập thể có vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ của tổ chức Công đoàn.

Cũng theo ông Hùng, các cuộc thương lượng tập thể thành công là căn cứ để sửa đổi, bổ sung và ký kết mới các bản Thỏa ước Lao động tập thể theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Lao động 2019; đảm bảo đời sống, phúc lợi tốt hơn cho NLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và phát triển ổn định, bền vững cho DN.

Đặc biệt, Ban Thường vụ LĐLĐ TP.Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại, thương lượng và ký kết Thỏa ước Lao động tập thể tại các đơn vị, DN, như: Đề án thí điểm “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước Lao động tập thể trong DN giai đoạn 2021-2022”; thành lập Tổ tư vấn thương lượng, ký kết Thỏa ước Lao động tập thể nhằm hỗ trợ Công đoàn cấp trên cơ sở hướng dẫn, tư vấn cho Công đoàn cơ sở về quy trình, kỹ năng thương lượng, ký kết Thỏa ước Lao động tập thể.

Kết quả, trong năm 2021, số lượng các bản Thỏa ước Lao động tập thể được sửa đổi, ký mới đạt 1.108 bản (tăng 400% so với năm 2020). Tính đến ngày 30/4/2022, các cấp Công đoàn của Hà Nội đã thương lượng, ký kết, chấm điểm, phân loại được gần 2.900 bản Thỏa ước Lao động tập thể. Một số Công đoàn cấp trên cơ sở tiêu biểu, đạt kết quả cao trong thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại Thỏa ước Lao động tập thể như: LĐLĐ các quận Long Biên, Hà Đông; LĐLĐ các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Đan Phượng, Phúc Thọ; Công đoàn ngành Xây dựng; Công đoàn Tổng Công ty Thương mại, Du lịch...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động thương lượng, ký kết Thỏa ước Lao động tập thể của Công đoàn Thủ đô vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Số lượng Thỏa ước Lao động tập thể còn thấp so với số lượng DN trên địa bàn; chất lượng một số Thỏa ước Lao động tập thể vẫn còn thấp, tỷ lệ xếp loại C, D còn cao (57%); kỹ năng thương lượng của một số cán bộ Công đoàn còn hạn chế, chưa chủ động đưa ra nội dung để thương lượng, ký kết Thỏa ước Lao động tập thể và đối thoại tại nơi làm việc… Do đó, cần có các giải pháp quyết liệt, nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết Thỏa ước Lao động tập thể trong thời gian tới.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng thương lượng cũng như kết quả thực hiện Thỏa ước Lao động tập thể. Một trong những đề xuất tại Tọa đàm là thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ Công đoàn cơ sở, nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia thương lượng với chủ SDLĐ trong việc xây dựng Thỏa ước Lao động tập thể tại DN. Đồng thời, tuyên tuyền cho chủ SDLĐ hiểu đúng về vai trò của Thỏa ước Lao động tập thể.

Các đại biểu cũng đề nghị tổ chức Công đoàn đề nghị chính quyền các cấp có biện pháp quyết liệt hơn trong việc yêu cầu và xử lý những chủ DN không thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, không phối hợp với Công đoàn tổ chức Hội nghị NLĐ, tổ chức đối thoại hoặc từ chối thương lượng, ký kết Thỏa ước Lao động tập thể, tăng nặng mức độ xử phạt đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Thanh Hằng