Print

Sáng kiến thu gom rác thải nhựa Eco-Kolek ở Philippines

Thứ Năm, 05 /05/2022 12:23

Những người thu gom rác thải phi chính thức ở TP.Puerto Princesa (Philippines) phối hợp với sáng kiến Eco-Kolek của Dự án Zacchaeus (Project ZacchaeusP, ZC) để phát triển một phương pháp thu gom và xử lý rác thải an toàn hơn, có tổ chức hơn cho cộng đồng của họ.

Sản phẩm nhựa sử dụng một lần có giá thành thấp và dễ sản xuất. Việc sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần cao ở Philippines dẫn đến tình trạng ô nhiễm nhựa. Philippines sản xuất 2,7 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, khoảng 20% trong số đó gây ô nhiễm đại dương. Là một quốc gia với hơn 7.500 hòn đảo, các khu vực ven biển của Philippines đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực của ô nhiễm nhựa đại dương.

Dữ liệu gần đây cho thấy, khoảng 23,7% người Philippines sống dưới ngưỡng nghèo, khoảng 10% sống trong cảnh nghèo cùng cực, thậm chí không thể đáp ứng nhu cầu lương thực cơ bản. Bởi vì nhựa sử dụng một lần khá rẻ tiền, nên người nghèo thường sản xuất và tiêu dùng những sản phẩm này.

Dự án Zacchaeus và Eco-Kolek

Dự án Zacchaeus là một tổ chức phi chính phủ ở Philippines, tập trung phát triển các sản phẩm và dịch vụ chuyên biệt, đồng thời, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo ở từng khu vực. Eco-Kolek là một sáng kiến của Dự án Zacchaeus, nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp các nguồn lực liên quan cho đối tượng người thu gom rác thải. Mục tiêu của sáng kiến là tổ chức hoạt động thu gom rác thải an toàn, hiệu quả và nâng tầm người thu gom rác thải lên thành lực lượng “chiến binh sinh thái” (Eco-Warriors) để vừa bảo đảm sinh kế, vừa bảo vệ môi trường.

Cách Eco-Kolek giúp Philippines cải thiện việc thu gom rác thải

Phụ nữ chiếm một số lượng lớn những người thu gom rác thải phi chính thức trên khắp thế giới. Ở Philippines, phụ nữ nghèo cũng thường làm công việc thu gom rác thải để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, nếu thu gom rác thải không đúng quy cách, không chỉ không có hiệu quả kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, thông qua sự trợ giúp của Eco-Kolek, người thu gom rác thải có thể gia tăng thu nhập bằng cách học tập các kỹ năng liên quan khác, chẳng hạn như kế toán. Bên cạnh đó, việc thu gom rác không chỉ là một công việc mưu sinh- mà còn giúp người lao động rèn luyện, nâng cao kiến thức và trở thành một phần không thể thiếu trong công cuộc hạn chế ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng ở Philippines.

Vào tháng 3/2022 vừa qua, Dự án Thành phố sạch, Đại dương xanh (Clean Cities, Blue Ocean Program) của USAID đã cung cấp một số phương tiện cho đối tượng người thu gom rác thải Philippines để giúp việc thu gom rác thải hiệu quả hơn. USAID tặng xe đạp thồ, xe máy có thùng chứa, xe 4 bánh cho Eco-Kolek và ước tính những chiếc xe này sẽ giúp người thu gom rác thải tiếp cận khoảng 3.000 hộ gia đình; một bộ phận người thu gom rác thải cũng sẽ được đào tạo miễn phí các khóa học về lái xe và bảo dưỡng xe.

Như vậy, Eco-Kolek hoạt động nhằm mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương bằng cách giúp đối tượng người thu gom rác thải ở Philippines duy trì phương pháp thu gom rác thải hiệu quả, bền vững hơn. Chương trình chuyên nghiệp hóa công việc thu gom rác thải bằng cách hướng dẫn cho người thu gom rác thải tiến hành an toàn, có tổ chức. Người thu gom rác thải được giáo dục về pháp luật và phương thức xử lý rác thải, nhất là rác thải rắn, đúng quy cách. Không chỉ vậy, còn cung cấp các nguồn lực để hỗ trợ người thu gom rác thải có thu nhập để tự lo được cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tùng Anh (Theo USAID)