Print

TP.HCM: Tìm giải pháp hạn chế tranh chấp lao động liên quan lương, BHXH, BHYT

Thứ Năm, 05 /05/2022 16:33

Ngày 5/5, LĐLĐ TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Giải pháp hạn chế tranh chấp lao động tập thể và cá nhân tại cơ sở”, với sự tham gia của đại diện nhiều sở, ngành liên quan. Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, phần lớn các vụ tranh chấp lao động là do DN vi phạm chính sách lương, BHXH, BHYT.

Theo LĐLĐ TP.HCM, trong năm 2021, toàn thành phố xảy ra 7 vụ tranh chấp lao động tập thể (giảm 4 vụ so với năm 2020) với gần 3.700 NLĐ tham gia; còn tính từ đầu năm 2022 đến nay có 7 vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc. Trong khi đó, số vụ tranh chấp lao động cá nhân liên quan đến HĐLĐ, tiền lương, BHXH cũng diễn ra phổ biến.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, tính đến 31/3/2022, số nợ BHXH bắt buộc của các đơn vị, DN trên địa bàn là 4.058,86 tỷ đồng, bằng 6,84% so với số phải thu. Theo bà Dung, việc nợ đọng, trốn đóng BHXH đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ...

Về giải pháp xử lý, bà Dung cho biết, đối với những đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên và số tiền nợ từ 50 triệu đồng trở lên, BHXH Thành phố sẽ gửi thư mời đơn vị lên cơ quan BHXH để lập biên bản và yêu cầu trích nộp BHXH, BHYT theo quy định. Bên cạnh đó, sẽ thanh tra đột xuất hoặc thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT đối với những đơn vị đã được nhắc nhở nhiều lần hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý...

Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục- Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho rằng, so với những năm trước, năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nên chưa chấp hành tốt các quy định pháp luật lao động. Cụ thể: Năm 2021, Thanh tra Sở đã tiếp nhận, xử lý và giải quyết 390 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của NLĐ, chủ yếu liên quan các nội dung như: DN vi phạm HĐLĐ, không trả đủ tiền lương, trả lương không đúng hạn; không tham gia BHXH, nợ BHXH dẫn đến NLĐ không làm thủ tục chốt sổ BHXH được hoặc không hoàn tất được hồ sơ hưởng BH thất nghiệp...

Đại diện Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cũng cho rằng, có một số hành vi vi phạm chưa được xử lý nghiêm, mức phạt còn thấp (xử phạt về vi phạm hợp đồng, tiền phạt tính trên số người vi phạm), có một số vi phạm không quy định về xử lý vi phạm hành chính; một số vi phạm về BHXH đã được hình sự hoá nhưng khó áp dụng như việc nợ BHXH, trục lợi từ quỹ BHXH... Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ và xử lý vi phạm tại các DN.

Liên quan việc này, theo ông Phạm Chí Tâm- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, trên thực tế tranh chấp lao động xảy ra đều có phần lỗi của chủ SDLĐ và NLĐ, trong đó chủ yếu là lỗi của chủ SDLĐ. Cũng theo ông Tâm, thời gian tới, LĐLĐ Thành phố sẽ chỉ đạo Công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với cơ quan BHXH và cơ quan quản lý nhà nước về lao động rà soát những DN đang gặp khó khăn do dịch bệnh, DN tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể (nợ BHXH, thường xuyên chậm trả lương hoặc đang nợ lương…) để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ngành chức năng có giải pháp xử lý kịp thời.

Phạm Thọ