Print

ILO: Thương lượng tập thể góp phần chống bất bình đẳng

Thứ Sáu, 06 /05/2022 10:09

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thương lượng tập thể đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ đại dịch và có thể tạo ra phương tiện hiệu quả giúp người SDLĐ và NLĐ giải quyết những thách thức mới nổi đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới thế giới việc làm.

Báo cáo rà soát các thỏa ước lao động tập thể và thực hành tại 80 quốc gia có mức độ phát triển kinh tế khác nhau cũng như khuôn khổ pháp luật của 125 quốc gia cho thấy: Số lượng NLĐ thuộc diện bao phủ trong các thỏa ước lao động tập thể càng nhiều, thì mức chênh lệch tiền lương càng thấp. Thương lượng tập thể là quá trình thương lượng tự nguyện giữa một hay nhiều người SDLĐ (hoặc tổ chức của họ) với một hay nhiều tổ chức của NLĐ. Thương lượng tập thể có thể giảm thiểu bất bình đẳng về tiền lương trong DN, lĩnh vực hay ngành nghề một cách hiệu quả.

Thương lượng tập thể cũng có thể góp phần thu hẹp khoảng cách trả lương theo giới. Hơn một nửa (59%) các thỏa ước lao động tập thể thuộc phạm vi nghiên cứu của ILO thể hiện sự cam kết của người SDLĐ hay tổ chức của họ và tổ chức của NLĐ (đặc biệt là Công đoàn) cùng giải quyết bất bình đẳng giới bằng cách đảm bảo trả công bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau, đảm bảo chế độ thai sản và nghỉ phép vì lý do gia đình, cũng như giải quyết bạo lực trên cơ sở giới tại nơi làm việc.

Theo báo cáo, mức lương, thời giờ làm việc và các điều kiện làm việc khác của hơn một phần ba số NLĐ (35%) ở 98 quốc gia được xác lập thông qua các cuộc thương lượng tập thể tự chủ giữa Công đoàn và người SDLĐ hay tổ chức của người SDLĐ. Nhưng tỷ lệ này có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia, dao động từ trên 75% ở nhiều nước Châu Âu và Uruguay đến dưới 25% ở khoảng một nửa số quốc gia có sẵn dữ liệu.

Nghiên cứu cho biết, thương lượng tập thể đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 đối với việc làm và thu nhập, giúp giảm bớt một số tác động đối với tình trạng bất bình đẳng; đồng thời củng cố khả năng chống chịu của các DN và thị trường lao động bằng cách hỗ trợ duy trì tính liên tục của hoạt động kinh tế.

Việc điều chỉnh các biện pháp chăm sóc sức khỏe cộng đồng và tăng cường công tác đảm bảo an toàn sức khỏe nghề nghiệp tại nơi làm việc, cùng với chế độ nghỉ ốm được hưởng lương và các chế độ chăm sóc sức khỏe được quy định trong nhiều thỏa ước lao động tập thể đã góp phần bảo vệ hàng triệu NLĐ.

Các thỏa ước lao động tập thể được ký kết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình làm việc từ xa trong thời kỳ Covid-19- hiện đã phát triển thành các khuôn khổ chung dài hơi hơn, để đảm bảo các phương thức làm việc thỏa đáng đối với cả mô hình làm việc kết hợp (cả làm trực tiếp và làm từ xa) và làm việc từ xa. Thỏa ước lao động tập thể đề cập đến những vấn đề như thay đổi trong tổ chức công việc, đào tạo đầy đủ và các chi phí liên quan đến làm việc từ xa. Một số thỏa ước còn đề cập đến vấn đề an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu.

Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder cho biết, thương lượng tập thể đã và đang đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ đại dịch, giúp tôi luyện khả năng chống chịu bằng cách bảo vệ NLĐ và DN, đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh cũng như bảo vệ việc làm và thu nhập. Thương lượng tập thể đã tạo nên một phương tiện hiệu quả để người SDLĐ và NLĐ đi đến đồng thuận đối với các giải pháp bao trùm, nhằm giải quyết những vấn đề hoặc thách thức chung và giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng hiện tại và tương lai mà nền kinh tế, DN và NLĐ phải đối mặt.

ILO cũng cho rằng, để thương lượng thực sự hiệu quả, cần phục hồi các tổ chức của người SDLĐ và NLĐ; thực hiện việc công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể của mọi NLĐ; thúc đẩy một công cuộc phục hồi toàn diện, bền vững và có khả năng chống chịu…

Nguyệt Hà