Print

Triết lý chống đói nghèo của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Thứ Sáu, 13 /05/2022 16:27

Vừa qua, người dân Pháp đã bầu lại ông Emmanuel Macron làm Tổng thống, như vậy ông sẽ đảm nhận cương vị này trong nhiệm kỳ 5 tới. Thử thách lớn nhất của ông Emmanuel Macron hiện nay, có lẽ là công cuộc phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nghèo đói ở Pháp đã trở thành mối quan tâm đặc biệt đối với người dân nước này, sức mua của họ giảm, trong bối cảnh lạm phát gia tăng (tỷ lệ lạm phát của Pháp là 4,5% vào tháng 3/2022).

Trước đây, Pháp được công nhận về việc hỗ trợ hiệu quả cho người dân thông qua giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và lương hưu. Song, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đời sống người dân Pháp lâm vào tình trạng khó khăn. Ảnh hưởng nặng nề nhất là NLĐ ở khu vực phi chính thức, người làm việc bán thời gian (part-time). Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên nghèo không đủ điều kiện nhận hỗ trợ của Chính phủ trong thời kỳ đại dịch xảy ra, gây ra gián đoạn việc học tập. Nhiều người di cư và lao động “chui” chỉ có thể nhận được sự hỗ trợ ít ỏi từ các tổ chức phi chính phủ theo các kênh từ thiện.

Trong 5 năm qua, để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của người dân, Chính phủ Pháp đã thực hiện các biện pháp khác nhau để thích ứng với từng cuộc khủng hoảng mà đất nước đang trải qua. Trở lại năm 2018, Chính phủ Macron lần đầu tiên khởi động kế hoạch trị giá 9,3 tỷ USD để hỗ trợ 9 triệu người nghèo. Triết lý của Chính phủ Macron là luôn luôn khuyến khích người dân thoát khỏi đói nghèo thông qua việc làm. Do đó, Chính phủ giảm thuế thu nhập; hỗ trợ 100 Euro/NLĐ có thu nhập thấp; áp dụng chính sách thuế linh hoạt cho DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch; giữ vững càng nhiều việc làm càng tốt; dùng 9 tỷ Euro để tăng lương các chuyên gia y tế...

Trong 5 năm tới, Chính phủ Macron vẫn có kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống đói nghèo ở Pháp. Biện pháp đầu tiên mà ông Emmanuel Macron hứa khi tái đắc cử là cung cấp sự hỗ trợ cho người dân không có khả năng mua thực phẩm địa phương chất lượng cao. Với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, dẫn đến sự gia tăng giá khí đốt, ông Macron đã ủy quyền trợ cấp hóa đơn năng lượng cho người dân. Và giải pháp chính là cung cấp việc làm cho người nghèo để họ phấn đấu thoát nghèo. Để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ khuyến khích DN tuyển dụng NLĐ bằng nhiều biện pháp cải cách, cả về thủ tục hành chính lẫn cơ chế tài chính.

Sau những nỗ lực xóa đói giảm nghèo, Pháp đang cần nhiều sự cải cách hơn nữa để chống lại đói nghèo. Tổng thống Emmanuel Macron cần nỗ lực hơn để làm hài lòng một bộ phận người dân Pháp đang hoài nghi và không ủng hộ các chính sách của Chính phủ; tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; củng cố, phát triển thị trường lao động; ổn định kinh tế, hạn chế lạm phát và cải thiện sức mua của người dân đang giảm đi mỗi ngày.

Tùng Anh (Theo Today Online)