Print

Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Thứ Sáu, 13 /05/2022 19:52

Ngày 13-14/5, tại Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 6.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Phiên họp diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/5, xem xét rất nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV và thực hiện các kế hoạch của Ủy ban Xã hội trong năm 2022. Trên cơ sở lấy ý kiến các đại biểu về các dự án Luật (sửa đổi) và các báo cáo tại phiên họp để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo, báo cáo Ủy ban TVQH xem xét, thông qua tại kỳ họp tới. Phiên họp cũng sẽ thông tin về chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 và điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật năm 2022.

Ngày 14/5, phiên họp sẽ tiếp tục với các nội dung thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, NSNN năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, dự kiến đến hết năm 2022; quyết toán NSNN năm 2020; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; việc thực hiện các Nghị quyết chất vấn, các vấn đề đã hứa tại Kỳ họp trước thuộc lĩnh vực Bộ LĐ-TB&XH phụ trách.

Ngay sau khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và các báo cáo của Bộ Y tế.

Báo cáo dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KCB ra đời đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực KCB. Sau hơn 11 năm thực hiện, hiện nay cả nước có khoảng 52.000 cơ sở KCB của nhà nước và tư nhân (trong đó có 306 bệnh viện tư nhân và 37.350 phòng khám tư nhân). Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ KCB, tạo hành lang pháp lý để y học Việt Nam tiếp cận được các kỹ thuật mới, phương pháp mới, kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới, góp phần tăng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao hơn tuổi thọ trung bình của thế giới (73,7 tuổi), thu hút khoảng 300.000 lượt người nước ngoài đến KCB tại Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập. Việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương của công tác quản lý nhà nước về hoạt động KCB.

Sau khi nghe các báo cáo, các đại biểu đã thảo luận, góp ý về các nội dung cơ bản của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở KCB, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ KCB; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong KCB; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động KCB…

Theo đó, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều, sẽ thêm 3 chương so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 là: KCB bằng y học cổ truyền; KCB nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về KCB; KCB trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

V.Thu