Print

TP.HCM: Khuyến khích chăm lo người cao tuổi

Thứ Bảy, 14 /05/2022 16:42

Tại cuộc họp gần đây do Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức, trả lời câu hỏi của PV Tạp chí BHXH liên quan đến công tác chăm lo người cao tuổi trên địa bàn gắn với mô hình viện dưỡng lão, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH khẳng định TP.HCM đang khuyến khích DN, đơn vị tham gia hệ thống chăm lo người cao tuổi, vì số lượng cơ sở hiện có chưa đáp ứng nhu cầu xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, toàn địa bàn hiện có 20 đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi. Trong đó, có 8 cơ sở công lập đang chăm sóc, nuôi dưỡng 1.555 cụ; 12 cơ sở tư nhân đang chăm sóc, nuôi dưỡng 1.138 cụ.

Ông Nguyễn Văn Lâm trả lời câu hỏi của PV Tạp chí BHXH

“Tính tổng cộng, hiện TP.HCM đang chăm sóc, nuôi dưỡng 2.693 cụ. Đa phần những cụ ông, cụ bà này là người lớn tuổi, neo đơn, người lang thang không rõ địa chỉ… Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tiếp nhận 3 hồ sơ đăng ký thành lập cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Hiện những hồ sơ này đang được thẩm tra, có hướng dẫn phù hợp với quy định của pháp luật”- ông Lâm giải thích. Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH còn khẳng định, TP.HCM đang chủ trương khuyến khích các DN, đơn vị tham gia vào hệ thống chăm lo người cao tuổi trên địa bàn.

Được biết, mức phí dùng chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi ở các cơ sở công lập tại TP.HCM hiện là 1.970.000 đồng/người. Theo ông Lâm, đây là mức cao hơn mức quy định chung áp dụng trên cả nước (1.520.000 đồng/người). So với câu hỏi của PV Tạp chí BHXH, đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM chỉ mới đề cập đến khía cạnh bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Vấn đề chăm sóc người cao tuổi gắn với mô hình viện dưỡng lão vẫn chưa được giải thích nhiều hơn, dù đây là một trong những nhiệm vụ của cơ quan này.

Theo tìm hiểu của PV, TP.HCM là địa phương đã chạm ngưỡng dân số già với hơn 10% người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) so với tổng dân số.

Người cao tuổi ở viện dưỡng lão Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM

Vì vậy, mô hình viện dưỡng lão tập trung chăm sóc toàn diện người cao tuổi theo các hình thức công lập có thu, thiện nguyện miễn phí (các tổ chức từ thiện đầu tư), tư nhân dịch vụ (các DN đầu tư) cần nhanh chóng gia tăng số lượng để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Hiện địa bàn TP.HCM đã có một số viện dưỡng lão do tư nhân đầu tư và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, đa phần viện dưỡng lão này hướng tới người cao tuổi đang mắc các bệnh lý hiểm nghèo (nằm liệt giường, suy giảm khả năng vận động...) cần được chăm sóc đặc biệt. Do đó, chi phí mỗi tháng người nhà phải chi trả viện dưỡng lão trên dưới 20 triệu đồng.

Vấn đề lớn nhất của công tác chăm sóc người cao tuổi gắn với mô hình viện dưỡng lão, chính là tập trung vào nhóm người từ 60 tuổi đến 80 tuổi, với chi phí hợp lý để số đông có thể chi trả.

TP.HCM hiện mỗi gia đình chỉ có 2 con, thậm chí nhiều gia đình chỉ 1 con. Bố mẹ cùng nhau nuôi con thì dễ bởi 2 người cùng lao động. Còn con cái nuôi bố mẹ thời điểm này không dễ chút nào, bởi lúc độc thân thì 1 phải lo 2, còn lúc kết hôn thì lại vướng bận, lo lắng gia đình nhỏ.

Theo các chuyên gia, quy hoạch và phát triển viện dưỡng lão có nét tương đồng với các dự án nhà ở. Theo đó, dự án nhà ở thương mại phải dành 20% đến 30% diện tích xây nhà ở xã hội, nhằm hài hòa lợi ích, phục vụ người thu nhập thấp.

Đối với dự án viện dưỡng lão cũng vậy, ngoài việc tính toán chi phí sao cho người lao động có lương hưu đủ chi trả, để được hòa nhịp sống cùng nhóm người đồng niên trong viện dưỡng lão, thì dự án cũng phải dành tỷ lệ nhất định để tiếp nhận, chăm sóc người lao động về già lại không lương hưu, do lao động lĩnh vực phi chính thức.

Vì vậy, để các mạng lưới viện dưỡng lão hình thành và phát triển đồng bộ, góp sức vào hệ thống ASXH cách hiệu quả, để không người cao tuổi nào bị bỏ lại phía sau, thì vai trò cơ quan quản lý nhà nước là hết sức quan trọng.

Một quy hoạch hoàn chỉnh đính kèm một chiến lược thu hút đầu tư rõ ràng, cộng với các công cụ điều tiết bằng chính sách hữu hiệu, là điều mà TP.HCM cần sớm có, nếu muốn người cao tuổi ai cũng có “một cõi đi về” với đủ tiêu chí sống vui- sống khỏe- sống có ích.

Đỗ Bá