Print

Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

Chủ nhật, 15 /05/2022 16:10

Chiều 14/5, theo giờ địa phương, tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, phát biểu và dự Tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard, thành phố Cambridge, bang Massachusetts.

Trong bài phát biểu quan trọng tại Tọa đàm, sau khi điểm lại những kết quả chính của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, các cuộc làm việc với các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian phân tích về chủ đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng, Đại học Harvard với bề dày lịch sử, truyền thống lâu đời, có tầm ảnh hưởng và danh tiếng vào loại bậc nhất Hoa Kỳ và thế giới. Trong khi đó, bang Massachusetts là một trong những điểm đến trong hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhắc lại Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn tư tưởng rất quan trọng trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, đó là “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, Thủ tướng nhấn mạnh: “Việc tôi có mặt ở đây cũng thể hiện tư tưởng độc lập, tự chủ cho hai dân tộc; thể hiện tầm nhìn, mối quan hệ giữa hai nước chúng ta đã được tuyên bố năm 2015 khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ.

Trường Harvard Kennedy đã thực hiện đối thoại chính sách với phía Việt Nam trong 3 thập kỷ vừa qua, chú trọng vào việc góp phần giải quyết những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong từng giai đoạn. Do đó, tại Tọa đàm, các cử tọa mong muốn lắng nghe phát biểu của Thủ tướng về triết lý, tầm nhìn và chiến lược phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc lại, ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện mong muốn thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, toàn diện với Hoa Kỳ trong những bức thư gửi tới chính quyền Hoa Kỳ năm 1946. Đặc biệt, trong bức thư ngày 16/2/1946 gửi Tổng thống Harry Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”. “Tôi đến đây với tình cảm kép, tình cảm của Đại học Harvard dành cho đoàn và tình cảm của mối lương duyên, sự kết nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trải qua những thăng trầm và đột phá, từ khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ năm 1995, đã không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Mối quan hệ toàn diện này vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong 27 năm kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ, đã có 4 vị Tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước. Vào thời điểm khó khăn của đỉnh dịch Covid-19 năm 2021, Phó Tổng thống Kamala Harris đã tới thăm Việt Nam. Tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden đã gặp nhau tại Hội nghị COP 26 tại Anh. Trong quan hệ hai nước, lĩnh vực thương mại đóng vai trò rất quan trọng. Năm 2021, kim ngạch thương mại Hoa Kỳ-ASEAN đạt 362 tỷ USD thì kim ngạch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 112 tỷ USD.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hai nước, như đã được khẳng định trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ vào năm 2015, trong đó nhấn mạnh tôn trọng “thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Việt Nam đánh giá cao trong những năm qua Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng.

Nhấn mạnh Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với bên ngoài, Thủ tướng chỉ rõ, đường lối đổi mới dựa trên 3 trụ cột gồm: Xóa quan liêu bao cấp, thực hiện đa sở hữu và hội nhập. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của các DN, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và tuân thủ pháp luật. Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế và những thách thức toàn cầu vì sự thịnh vượng chung.

Nhờ đường lối đổi mới, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, từ một nền kinh tế kém phát triển, sau hơn 35 năm đổi mới Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 362 tỷ USD (so với 4,2 tỷ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142 USD) trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN; một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; là nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản đứng đầu thế giới; có mạng lưới 15 hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã có hiệu lực. An sinh xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,2% năm 2021.

Thủ tướng cũng tập trung làm rõ 3 vấn đề, đó là: Thứ nhất, vì sao phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng? Thứ hai, một số quan điểm, mục tiêu, tư tưởng chủ yếu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam. Thứ ba, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Nhấn mạnh về sự cần thiết phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, đây là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới đã dành cả đời mình phấn đấu cho nền độc lập dân tộc của Việt Nam với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” gắn liền với mở cửa và hợp tác quốc tế. Đơn cử: Trong Lời kêu gọi LHQ (tháng 12/1946), Người đã nêu rõ: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực...”; trong thư gửi Tổng thống Harry Truman (18/1/1946), Người cũng khẳng định: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng đã được xác định rõ, là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp. Theo đó, Cương lĩnh năm 2011 xác định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tinh thần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ dựa trên ý chí tự lực, tự cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc gắn với sức mạnh thời đại. Còn theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải dựa trên nền tảng bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế…

Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng đánh giá cao kết quả hoạt động của Đại học Fulbright và Chương trình Lãnh đạo quản lý cấp cao (VELP) do Đại học Harvard và các cơ quan Chính phủ Việt Nam phối hợp triển khai. “Việt Nam mong muốn nhân rộng mô hình này với các trường đại học nổi tiếng khác của Hoa Kỳ và thế giới, với cách làm mới hơn, hiệu quả hơn”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Đoàn Việt Nam dự Tọa đàm chính sách với giáo sư, sinh viên trường này về định hướng phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21. Tại Tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời một số câu hỏi từ các giáo sư, nghiên cứu sinh liên quan các giải pháp hạn chế tác động từ thượng nguồn tới khu vực ĐBSCL; về việc Việt Nam làm gì để khuyến khích DN đổi mới sáng tạo; về việc hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực phát triển kinh tế số…

PV