Print

Quyền của phụ nữ ở Nhật Bản

Chủ nhật, 15 /05/2022 16:45

Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2021, thật ngạc nhiên, Nhật Bản chỉ đứng thứ 120/156 quốc gia. Tuy nhiên, thứ hạng không lý tưởng này chưa phản ánh thực chất cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của quyền phụ nữ ở Nhật Bản. Ví dụ, bất chấp nỗ lực của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong việc thực hiện cải cách bình đẳng giới, đặc biệt là ở nơi làm việc, Nhật Bản vẫn đạt điểm rất thấp trong Chỉ số Cơ hội và Tham gia kinh tế của phụ nữ, với chỉ 60,4% vào năm 2021.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (The World Economic Forum) xếp hạng tiến bộ của các quốc gia về bình đẳng giới bằng cách đánh giá khoảng cách giới trên 4 hạng mục: Cơ hội và Tham gia kinh tế; Giáo dục; Sức khỏe và Sự sống còn; Trao quyền trong chính trị. Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2021, Nhật Bản chỉ đứng thứ 120/156 quốc gia. Vậy, thứ hạng này đã phản ánh thực chất cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của quyền phụ nữ ở Nhật Bản chưa?

Đấu trường chính trị của Nhật Bản

Phụ nữ chưa có nhiều đại diện trong môi trường chính trị của Nhật Bản; năm 2021, người ta thống kê được chỉ có 45 phụ nữ được bầu vào Hạ viện, trong khi Hạ viện gồm tới 465 thành viên. Do đó, Liên minh Nghị viện xếp Nhật Bản đứng thứ 165 về Chỉ số Phụ nữ trong Nghị viện quốc gia. Thủ tướng năm 2003, Junichiro Koizumi, đã đặt mục tiêu có 30% nữ giới vào các vị trí lãnh đạo vào năm 2020 nhưng sau đó Nhật Bản đã không đạt được. Nhật Bản cũng đặt ra một số mục tiêu khác về bình đẳng giới nhưng chưa thực hiện hoặc hành động hiệu quả. Yuriko Koike, Thống đốc Tokyo, từng gọi rào cản bất bình đẳng giới đối với phụ nữ Nhật Bản là “tấm sắt” chứ không chỉ đơn giản là “trần kính”. Với sự thiếu đại diện như vậy trong Chính phủ, quyền của phụ nữ ở Nhật Bản vẫn là một vấn đề với Chính phủ và cần thay đổi chính sách tích cực hơn.

Phụ nữ tại nơi làm việc

Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2021, 72% phụ nữ Nhật Bản tham gia vào lực lượng lao động, tuy nhiên, “tỷ lệ phụ nữ làm việc bán thời gian (part-time) gần như gấp đôi nam giới”. Mặc dù Tổng thống Shinzo Abe, tại nhiệm từ năm 2012 đến năm 2020, đã thúc giục các công ty, DN cất nhắc nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí quản lý nhưng nỗ lực của ông chỉ dừng lại ở đó. Mặc dù có luật đảm bảo bình đẳng giữa nam-nữ và có chế tài, phiên tòa xét xử các trường hợp phân biệt đối xử giữa NLĐ nam-nữ, nhưng quá trình tranh tụng lại kéo dài (trung bình 5 năm), tốn kém và không nhất quán. Vẫn còn sự e ngại của phụ nữ khi đối mặt với việc bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Đáng nói hơn, việc nuôi dạy con cái ở Nhật Bản thuộc về phụ nữ, vì phụ nữ mới có nhẫn nại để đảm bảo con cái theo kịp và học hành tốt trong một hệ thống giáo dục có tính cạnh tranh cao. Mặc dù có một số chính sách đã ra đời để giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ, chẳng hạn cho phép bố mẹ được nghỉ phép mà vẫn giữ được mức thu nhập 50%; các chương trình cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em… Tuy nhiên, những thay đổi này đã được chứng minh là không hiệu quả vì nhu cầu về dịch vụ chăm sóc trẻ em tăng nhanh hơn đáng kể so với nguồn cung và thiếu thẩm quyền ràng buộc về mặt pháp lý đối với các chính sách nghỉ phép của cha mẹ. Nhiều người SDLĐ, đặc biệt là trong các công ty, doanh nghiệp nhỏ, chưa có chính sách cụ thể về việc nghỉ phép của cha mẹ. Quan điểm xã hội về vị trí của phụ nữ trong hộ gia đình vẫn còn hiển hiện ở nơi làm việc, điều này thể hiện trong các chính sách về quyền của phụ nữ.

Tiến bộ về quyền của phụ nữ Nhật Bản

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là tình trạng bất bình đẳng giới của Nhật Bản chưa được cải thiện. Một trong những thành tựu của phụ nữ Nhật Bản là không có khoảng cách giới trong cơ hội học tập ở bậc Tiểu học. Ngoài ra, Nhật Bản đã thu hẹp "95,3% khoảng cách giới trong học sinh Trung học và 95,2% khoảng cách giới trong giáo dục tuyển sinh Đại học".

Đối với các lĩnh vực khác, các tổ chức phi chính phủ luôn nỗ lực vận động để có nhiều phụ nữ được trao quyền lãnh đạo. Ví dụ, Sáng kiến Nữ lãnh đạo của Nhật Bản- Japanese Women’s Leadership Initiative (JWLI) nhằm “trao quyền cho phụ nữ trở thành những nhà lãnh đạo, tạo ra những thay đổi và đổi mới xã hội tích cực ở Nhật Bản”. Sáng kiến bắt đầu vào năm 2006 tại Boston (Massachusetts, Mỹ) với 3 phụ nữ: Atsuko Toko Fish, Mary Lassen và Catherine Crone Coburn. Chương trình mời các nữ lãnh đạo mới nổi ở Nhật Bản tham gia khóa đào tạo kéo dài 4 tuần, trong đó họ sẽ phát triển các kế hoạch hành động để tạo ra thay đổi xã hội sau khi trở về nước. Sau khi nhận thêm tài trợ, JWLI mở rộng tổ chức các diễn đàn công khai tại Nhật Bản, tiếp cận hàng trăm công dân nữ.

Về mặt chính trị, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida củng cố cam kết thúc đẩy bình đẳng giới của người tiền nhiệm và thể hiện quyết tâm “trở thành một trong quốc gia đóng góp hàng đầu cho LHQ”. Sự tiến bộ về quyền của phụ nữ ở Nhật Bản có thể đòi hỏi một hành trình dài cải cách cơ bản trong xã hội quốc gia này. Với nhu cầu cấp thiết về sự đóng góp kinh tế của phụ nữ để xóa đói giảm nghèo và sự gia tăng của nhiều phụ nữ muốn gia nhập nơi làm việc, Nhật Bản sẽ cần ưu tiên những thay đổi đối với quyền của phụ nữ tại nơi làm việc. Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các bước nhằm chuyển đổi đất nước thành một xã hội bình đẳng hơn.

Tùng Anh (Theo Unsplash)