Print

Giá xăng tăng tác động mạnh đến DN sản xuất, kinh doanh

Thứ Hai, 16 /05/2022 14:21

Lần thứ 2 trong năm 2022, giá xăng trong nước gần chạm mốc 30.000 đồng/lít, đồng thời giá dầu cũng đã liên tục được điều chỉnh tăng. Giá xăng dầu ở mức cao kỷ lục sau nhiều năm đang “đè nặng” lên DN sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh giảm mạnh, sau kỳ điều hành ngày 11/5 vừa qua, mỗi lít xăng RON95 tăng khoảng 1.550 đồng, lên mức cao nhất từ trước tới nay, trong khi các loại dầu cũng đắt hơn 1.100-1.300 đồng/lít.

Giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều mặt hàng tăng giá theo (ảnh minh họa) 

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, ông Nguyễn Công Hùng- Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, các DN vận tải taxi đang chấp nhận giảm lợi nhuận để không tăng giá cước. Nếu tăng cước, khách hàng sẽ không chấp nhận được, DN sẽ mất khách. Do vậy, tiết giảm chi phí, thu gọn nhân sự để vận hành đang là giải pháp được nhiều DN tính tới, vì giá xăng dầu dự báo còn diễn biến khó lường, buộc DN phải thích ứng.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, các DN taxi sẽ phải dứt khoát có tính toán điều chỉnh tăng cước như hồi giữa tháng 3 năm nay.

Ông Trần Văn Lĩnh- Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, do chi phí vận tải tăng cao, nên tất cả chi phí đầu vào như bao bì, nhân công… đều tăng từ 20-30%, trong khi DN mới trở lại sản xuất, mọi thứ còn rất khó khăn. “Thời điểm hiện tại, chi phí vận chuyển từ cảng đến nơi nhập khẩu đã bằng hoặc cao hơn so với giá trị đơn hàng, DN sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất”- ông Lĩnh nói.

Ông Trần Văn Lĩnh cũng cho rằng, nếu cơ quan chức năng không can thiệp nhanh, thì dễ dẫn đến đứt gãy không chỉ khu vực vận chuyển, mà tất cả các lĩnh vực khác. Bởi, xăng dầu tăng giá thì tất cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ phải nối đuôi tăng theo.

Còn ông Nguyễn Văn Trung- Phó Giám đốc hãng taxi Mai Linh miền Bắc cho biết, DN đang phải “gồng mình” khi gánh chịu các loại chi phí. Một lượng lớn tài xế nghỉ việc cộng hưởng với những chi phí khác trong mùa dịch đã thực sự khiến DN điêu đứng. Trong tình cảnh đó, DN bắt buộc phải bán xe để “cắt lỗ”.

Không chỉ các DN vận tải hay DN sản xuất gặp khó khăn, mà nhiều DN kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng cũng nhận định, giá xăng tăng cao khiến cho nhiều mặt hàng “phi mã” theo. Đơn cử, Công ty Saigon Food (TP.HCM) cho hay, vừa phải tăng giá bán nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến từ 5-15%. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào, bao bì tăng liên tục, trong đó nhà cung cấp bao bì như giấy, vỏ nhôm... đã 2-3 lần điều chỉnh tăng giá từ cuối năm 2021 đến nay.

Ông Trương Tiến Dũng- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực-Thực phẩm TP.HCM (FFA) cho rằng, việc DN tăng giá hàng thực phẩm thời gian qua là bắt buộc khi mặt bằng giá thành đã tăng từ lâu. “DN cũng phải cân nhắc rất kỹ mức độ tăng giá để bảo đảm hài hòa lợi ích của DN và người tiêu dùng. Tuy nhiên, DN hội viên cần cung cấp hàng đầy đủ cho các kênh phân phối, tránh tình trạng để trống kệ hàng trong thời gian đàm phán giá mới, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng” - ông Dũng lưu ý.

Theo TS.Nguyễn Bích Lâm- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc giá xăng dầu tăng sẽ khiến giá thực phẩm trong nước phải điều chỉnh tăng theo, trong khi nhóm thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng. Vì vậy, việc kiểm soát lạm phát dưới 4% sẽ là thách thức không nhỏ đối với cơ quan điều hành. “Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tới 1,76 điểm phần trăm trong mức lạm phát bình quân 2,1% của 4 tháng đầu năm”- ông Lâm cho biết.

TS.Cấn Văn Lực- Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cũng đánh giá, việc giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động rất lớn tới chỉ số lạm phát năm nay. Dự báo lạm phát sẽ tăng từ 3,8-4,2%. “Lợi nhuận của các DN sẽ bị thu hẹp do giá bán hàng không tăng tương ứng với chi phí đầu vào. Vì vậy, DN cần phải cơ cấu sản xuất, nâng cao năng suất, đa dạng thị trường để phân tán rủi ro và giảm bớt thiệt hại”- ông Lực nói.

Một số chuyên gia cũng khuyến nghị cơ quan chức năng cần phải có giải pháp giúp giá xăng dầu trong nước không tăng đúng nhịp với quy mô tăng giá từ thế giới, đây cũng là giải pháp giúp nền kinh tế Việt Nam không bị tổn thương quá lớn. Đặc biệt, Bộ Công Thương cần nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa DN kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và DN sử dụng xăng dầu.

Ngoài ra, cộng đồng DN cũng cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên nhiên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các mặt hàng thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế...

Hà Thủy