Print

FAO: Lãng phí thực phẩm có mối liên hệ chặt chẽ với nghèo đói

Thứ Hai, 16 /05/2022 16:26

Trong một báo cáo năm 2014, Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) phát hiện ra rằng, lãng phí thực phẩm làm tăng mức độ nghiêm trọng của nghèo đói vì tác động tiêu cực đến “nạn đói, dinh dưỡng, thu nhập và tăng trưởng kinh tế”. Hay nói cách khác, rác thải thực phẩm hiện là một vấn đề toàn cầu.

Ở các quốc gia có thu nhập thấp, rào cản đối với việc giảm lãng phí thực phẩm bao gồm “hạn chế về quản lý hoặc kỹ thuật trong thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến, cơ sở làm mát, cơ sở hạ tầng, hệ thống đóng gói và tiếp thị” thực phẩm. Đối với các quốc gia có thu nhập trung bình đến thu nhập cao, vấn đề này thường xảy ra ở phía người tiêu dùng, chẳng hạn như mua bán không tính toán, lập kế hoạch bữa ăn chưa hợp lý dẫn đến lãng phí thực phẩm. Ngoài ra, chính sách trợ cấp nông nghiệp không nghiên cứu kỹ lưỡng có thể dẫn đến việc sản xuất dư thừa một số loại cây trồng. Các quy định về an toàn thực phẩm cũng có thể dẫn đến tình trạng lãng phí thực phẩm vẫn còn giá trị sử dụng.

Năm 2021, FAO từng dự báo “17% tổng sản lượng thực phẩm toàn cầu” là rác thải thực phẩm. Báo cáo Chỉ số Rác thải thực phẩm năm 2021 của UNEP xác nhận điều này, đồng thời, cung cấp thêm thông tin: Từ năm 2019, rác thải thực phẩm toàn cầu tương đương với 931 triệu tấn, 61% trong số đó thải ra từ hộ gia đình: “Việc phát sinh chất rác thải thực phẩm theo đầu người hộ gia đình là tương tự nhau ở tất cả các quốc gia, cả phát triển và đang phát triển. Vì vậy, lãng phí thực phẩm là một vấn đề kéo dài trên các cấp độ, các quốc gia- có thể nói là một cuộc khủng hoảng toàn cầu đòi hỏi một giải pháp toàn cầu”.

FAO đang chống lại tình trạng mất an ninh lương thực, trong đó có rác thải thực phẩm, thông qua giáo dục và hợp tác với các Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các quan hệ đối tác tư nhân. Trong số những nỗ lực này, có Sáng kiến Tiết kiệm thực phẩm- SAVE FOOD của FAO nhằm mục đích giảm lãng phí thực phẩm ở các quốc gia SAARC (Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á, bao gồm các quốc gia Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka) thông qua nâng cao nhận thức của nông dân sản xuất nhỏ về cách thực hành quản lý khi sau thu hoạch. Thất thoát sau thu hoạch xảy ra với tỷ lệ cao từ 20% -40%, chủ yếu do thiếu nhận thức và kiến thức, có thể ảnh hưởng đến “nguồn lương thực, an ninh lương thực và dinh dưỡng”, đặc biệt ở các quốc gia có “chuỗi cung ứng rau quả truyền thống” như Bangladesh, Nepal và Sri Lanka. Vì vậy, SAFE FOOD ưu tiên đào tạo về quản lý sau thu hoạch.

Các đối tác trong khu vực tư nhân của FAO đã và đang giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực do lãng phí thực phẩm ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến tiêu thụ thực phẩm. Một trong những đối tác này, GrainPro, đang giảm lãng phí thực phẩm thông qua công nghệ GrainPro Cocoon ở Bangladesh. Theo đó, GrainPro Cocoon hướng dẫn bảo quản ngũ cốc, gia vị và hạt khô trong hộp kín theo phương pháp hút chân không. Hộp kín được chế tạo đặc biệt thích hợp, có thể dễ dàng vận chuyển và bảo vệ lương thực kể cả ngập nước cao đến cả mét vì lũ lụt. Đến nay, 800 chiếc GrainPro Cocoon đã đến tay nông dân Bangladesh; khi lưu trữ lúa giống đã đem lại sản lượng tăng 20% do chất lượng hạt giống được cải thiện, điều này tác động tích cực đến thu nhập của nông dân. Đối với một quốc gia có khoảng 48% dân số dựa vào nông nghiệp như Bangladesh, sự hỗ trợ này sẽ giúp nhiều người dân thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực.

Một sáng kiến khác cũng gây chú ý là Sáng kiến 10x20x30 của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI). Sáng kiến bắt đầu vào năm 2019, nhằm đạt được Mục tiêu 12.3 về Phát triển Bền vững của LHQ, cụ thể là “giảm 50% rác thải thực phẩm toàn cầu ở cấp độ bán lẻ và tiêu dùng”, đồng thời, giảm thiểu “thất thoát thực phẩm trong quá trình sản xuất, cũng như phân phối”. Năm 2020, WRI tập hợp được 12 nhà bán lẻ thực phẩm và nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm lớn nhất thế giới, đảm bảo cam kết tuyển dụng 20 nhà cung cấp tương ứng của riêng họ để tập trung vào việc đạt được Mục tiêu 12.3; sau đó, gần 200 nhà cung cấp thực phẩm trên toàn cầu đã cam kết cắt giảm một nửa rác thải thực phẩm của họ vào năm 2030.

Như vậy, có thể thấy thế giới đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trong việc giảm lãng phí thực phẩm nhờ các cam kết của cộng đồng quốc tế. Trong tương lai, sự tham gia của toàn cầu trong việc giảm lãng phí thực phẩm phải được tiếp tục lâu dài và bền vững, để đạt được các mục tiêu toàn cầu về chống, xóa đói nghèo.

Tùng Anh (Theo FAO)