Print

Singapore: Khan hiếm lao động nước ngoài do ảnh hưởng Covid-19

Thứ Ba, 17 /05/2022 12:13

Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) vừa đưa ra một báo cáo về tình trạng thâm hụt nhân lực đang diễn ra tại đảo quốc sư tử.

Theo đó, Liên đoàn kiến nghị Chính phủ và các bên liên quan xem xét cơ cấu lại lĩnh vực dịch vụ, để DN phụ thuộc vào lao động nước ngoài có thể bổ sung hoặc bố trí nhân lực để hạn chế ảnh hưởng của Covid-19.

Lý giải nguyên nhân cần cơ cấu lại lĩnh vực dịch vụ, SBF cho rằng, lĩnh vực này có nhiều ngành hàng khác nhau như ẩm thực (F&B), quản lý môi trường/rác thải, một số dịch vụ tài chính… hơn nữa, mỗi ngành hàng lại có nhu cầu, mức độ phụ thuộc vào lao động nước ngoài khác nhau. Đó là chưa kể đến yếu tố đặc thù, khiến lao động lĩnh vực khác khó chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, do kỹ năng của họ có thể không phù hợp. Để nhanh chóng lấp đầy các khoảng trống của lĩnh vực dịch vụ về nhân lực, SBF đề xuất 9 nội dung, xoay quanh việc hình thành những chuỗi hợp tác để đạt được hiệu quả hoạt động cao hơn, chẳng hạn DN có thể thuê các công ty hậu cần thực hiện việc giao hàng chặng cuối, thay vì phụ thuộc vào dịch vụ giao hàng tận nơi. Một gợi ý khác là DN nên làm việc với Công đoàn, cơ sở giáo dục sau Trung học, Trung tâm dạy nghề để đào tạo thêm lao động bản xứ và có chế độ ưu đãi để “giữ chân” họ.

Mặc dù tình hình cung cấp lao động, trong đó có lao động nước ngoài, được dự báo sẽ giảm bớt căng thẳng khi Singapore nới lỏng các biện pháp phòng, chống Covid-19, song lĩnh vực dịch vụ vẫn khá khó khăn. Đại diện SBF nhấn mạnh: "Để duy trì danh tiếng của Singapore như một điểm đến du lịch, kinh doanh và giải trí như trước dịch, các ngành dịch vụ cần củng cố nguồn nhân lực, cả lao động trong nước và lao động nước ngoài". Tuy nhiên, hiện tất cả DN thuộc lĩnh vực dịch vụ đều phải tuân theo các quy định chặt chẽ về giấy phép lao động, nguồn lao động nhập cư, thời gian làm việc tối đa, hạn ngạch trên trần tỷ lệ phụ thuộc (DRC) trên số lượng người có giấy phép lao động có thể sử dụng và mức thuế tương ứng. Về hạn ngạch, lĩnh vực dịch vụ là 35%, có nghĩa là trong DN chỉ có tối đa 35% là lao động nước ngoài (có giấy phép lao động hợp pháp).

Theo phân tích của SBF, do khan hiếm lao động bản xứ, lao động nước ngoài là "cần thiết để đáp ứng nhu cầu về một số dịch vụ, ngay cả khi ngành nghề đó đang nỗ lực chuyển đổi số và thiết kế lại công việc". Ví dụ, các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm; công nghệ thông tin; truyền thông; các dịch vụ chuyên nghiệp cơ bản; hoạt động kinh doanh, quản lý rác thải; vệ sinh, quản lý bất động sản và cơ sở vật chất. Đồng tình với SBF, Giám đốc điều hành Andrew Tjioe (Tập đoàn F&B Tung Lok) cho biết, hiện tại các nhà hàng thuộc Tập đoàn ông đang thiếu ít nhất 25 đến 30% lao động nhưng đã dùng hết hạn ngạch lao động nước ngoài (35%): “Tôi hy vọng hạn ngạch có thể nới lỏng, bởi vì người Singapore thích làm việc trong ngành nghề tài chính hoặc các ngành nghề khác, nhưng chắc chắn không mặn mà với ngành nghề ẩm thực (F&B)”.

Đại diện ToTT Store, chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ dùng nhà bếp, đồ gia dụng và phong cách sống cho biết, hiện DN đang thuê nhân viên bán thời gian làm nhiệm vụ kiểm tra nhiệt độ hoặc tư vấn khách hàng qua điện thoại. Kể từ năm ngoái, ToTT Store vừa phải “vật lộn” với Covid-19, vừa xoay xở để lấp đầy khoảng trống về nhân lực. Thậm chí các cửa tiệm đặt ở các vị trí danh giá như Trung tâm thương mại Suntec City và Century Square ở Tampines cũng khó khăn khi tìm ứng viên. Cuối cùng, ToTT Store đành thuê các học viên, SV chương trình vừa học vừa làm để làm việc bán thời gian.

Đại diện Công ty Bán lẻ hàng may mặc Decks cũng cho biết, trong suốt đợt đại dịch, đã mất khoảng 40% nhân lực do lao động nước ngoài phải hồi hương và lao động bản xứ chuyển việc. Do đó, mặc dù Decks sở hữu 35 cửa hàng trước đại dịch nhưng đã phải đóng cửa một số, hiện chỉ còn 22 cửa hàng: "Chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực. Do đó, bên cạnh củng cố nguồn nhân lực, chúng tôi cần tận dụng các yếu tố sẵn có để nỗ lực chuyển đổi quy trình làm việc, tinh giản biên chế, khai thác tốt nguồn lao động tại chỗ hơn nữa".

Tùng Anh (Theo Today Online)