Print

Thái Lan: Giáo dục Đại học và thị trường lao động

Thứ Tư, 18 /05/2022 14:36

Năm 1916, quốc vương Thái Lan Vajiravudh thành lập trường Đại học chính quy đầu tiên trên toàn quốc, đặt tên là Trường Đại học Chulalongkorn theo tên của Đức vua.

Trong suốt thế kỷ tiếp theo, giáo dục Đại học ở Thái Lan đã mở rộng và tính đến năm 2016, quốc gia này có 170 cơ sở giáo dục đại học dưới hình thức các trường Đại học. Việc nhập học vào các trường Đại học phần lớn phụ thuộc vào kỳ thi đầu vào tiêu chuẩn mà Thái Lan đã áp dụng từ năm 1962. Tuy nhiên, vào thời kỳ đầu, chỉ có học sinh con nhà khá giả, xuất thân từ các trường THPT tốt mới có khả năng vào Đại học; còn học sinh vùng nông thôn và nghèo khó khó vào Đại học hơn.

Trong những thập kỷ gần đây, việc đăng ký vào các trường Đại học của Thái Lan không lý tưởng do nhu cầu về giáo dục Đại học đã giảm xuống- đây hiện đang là một vấn đề quan ngại mà giáo dục Đại học ở Thái Lan phải đối mặt. Ví dụ, năm 2015, số lượng học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh Đại học vào khoảng 105.000 học sinh, trong khi hệ tuyển sinh đầu vào có khả năng tuyển 156.000 học sinh hằng năm.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ học sinh đăng ký thi Đại học giảm phản ánh một thực trạng khá nghiêm trọng, đó là dân số Thái Lan đang già đi nhanh chóng. Vào năm 1970, Chính phủ Thái Lan đưa ra Chương trình Kế hoạch hóa Gia đình Quốc gia, Chương trình này kết hợp với việc trình độ học vấn tăng cao đã làm giảm tỷ lệ sinh. Đến năm 2014, tỷ lệ sinh của Thái Lan đang giảm nhanh nhất trong số các quốc gia đang phát triển trên thế giới. Số lượng công dân trong độ tuổi Đại học đang giảm và sẽ tiếp tục như vậy. Theo Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB Group), “đến năm 2040, dự kiến sẽ có 17 triệu người Thái từ 65 tuổi trở lên, chiếm hơn một phần tư dân số”.

Hậu quả là giáo dục Đại học ở Thái Lan hiện đang gặp rủi ro. Các trường Đại học có thể phải bắt đầu giảm quy mô tuyển sinh, cắt giảm giáo trình hoặc thậm chí đóng cửa vĩnh viễn. Nếu không kịp thời nâng cao chất lượng, Thái Lan sẽ yếu thế trong hệ thống giáo dục Đại học quốc tế và điều này có thể khiến những sinh viên giỏi nhất, tiềm năng nhất sẽ tìm đường du học nước ngoài, gây “chảy máu chất xám”. Chưa kể, về lâu dài, còn ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường lao động. Xu hướng gần đây cho thấy, Thái Lan đang cần lực lượng lao động trẻ, được đào tạo kỹ thuật hoặc dạy nghề, tinh thông về ngoại ngữ để đối phó với bối cảnh dân số già.

Những năm gần đây, Thái Lan nỗ lực phân bổ lại các nguồn lực, đảm bảo ưu tiên các chương trình giáo dục thiết thực, hiệu quả nhất. Một số trường Đại học đang chuyển đổi trở thành học viện đào tạo nghề. Một số trường khác tập trung nhiều hơn vào giáo dục kỹ thuật. Vào tháng 9/2021, Hiệp hội Các tổ chức giáo dục Đại học tư nhân của Thái Lan (APHEIT) và Oracle Thái Lan đã hợp tác để tăng cường khả năng tiếp cận đào tạo về khoa học máy tính cho sinh viên. Sáng kiến này sẽ có sự tham gia của 39 trường Đại học từ APHEIT, hứa hẹn giúp sinh viên “thành công trong kỷ nguyên kỹ thuật số mới” thông qua đào tạo thực hành. Những kỹ năng này sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn phù hợp với ngày nay. Như vậy, giáo dục Đại học ở Thái Lan còn nhiều thách thức phía trước nhưng may mắn thay, luôn có những cách thức đổi mới để tăng hiệu quả trong tương lai của lực lượng lao động và hệ thống giáo dục.

Tùng Anh (Theo Today Online)