Print

Đề nghị đưa trẻ suy dinh dưỡng cấp tính vào các chương trình y tế

Thứ Năm, 19 /05/2022 09:45

Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) kêu gọi các quốc gia tăng cường chính sách dinh dưỡng và tích hợp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em vào các chương trình y tế và ngân sách phát triển dài hạn.

UNICEF tiếp tục công bố bằng chứng toàn cầu về mức độ gia tăng của tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em- tất cả dạng bệnh này đều phổ biến ở Việt Nam. Theo số liệu Giám sát dinh dưỡng thường niên, được thực hiện vào năm 2019, ước tính khoảng 230.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng (SAM).

Suy dinh dưỡng là một bệnh được liệt kê trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và là một bệnh có thể phòng ngừa, điều trị. Suy dinh dưỡng cấp tính được định nghĩa là nhẹ cân so với chiều cao, là loại suy dinh dưỡng dễ nhận thấy và gây tử vong cao nhất. Suy dinh dưỡng cấp tính nặng, nghĩa là trẻ quá gầy so với chiều cao, dẫn đến hệ miễn dịch suy yếu, là dạng bệnh lý cấp tính, dễ nhận thấy và đe dọa tính mạng nhất. Trên toàn thế giới, ít nhất 13,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng, dẫn đến 1/5 trường hợp tử vong ở nhóm tuổi này.

Do mối liên hệ chặt chẽ giữa suy dinh dưỡng cấp tính nặng, suy dinh dưỡng thấp còi và tử vong nên các can thiệp nhằm phòng ngừa và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng sẽ góp phần giảm cả tỷ lệ tử vong và suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em. Việt Nam ưu tiên các chinh sách dinh dưỡng và đã ban hành các Nghị quyết và Chỉ thị nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi và tăng cường công tác dinh dưỡng. Phòng và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và các Chương trình MTQG.

Bà Rana Flowers- Trưởng Đại diện UNICEF cho biết, Việt Nam đã thiết lập một môi trường thuận lợi cho việc phòng ngừa và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng, với các cam kết chính trị rõ ràng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chính sách cũng như nguồn tài chính nào được xác định từ ngân sách Trung ương hoặc địa phương cho các can thiệp quản lý lồng ghép suy dinh dưỡng cấp tính và hậu quả có tới 90% các trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng không được điều trị. Bây giờ là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh những nỗ lực hiện có bằng cách đưa việc khám và điều trị trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính nặng vào Luật KCB sửa đổi.

Để mở rộng can thiệp này trên phạm vi toàn quốc, cần có một cơ chế cấp kinh phí cho việc quản lý và điều trị trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. UNICEF kêu gọi các quốc gia đưa việc điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính vào BHYT và các ngân sách phát triển dài hạn, để tất cả trẻ em có thể được hưởng lợi từ các chương trình điều trị. Vì suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt được kê đơn theo hướng dẫn y tế.

“Bằng cách tích hợp và chỉ định việc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng điều trị cho trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng vào các luật đang được xem xét sửa đổi hiện nay, Việt Nam sẽ mở đường để cứu sống khoảng 230.000 trẻ em hàng năm. Nếu không, những trẻ em này phải đối mặt với nguy cơ tử vong bởi một căn bệnh có thể dễ dàng phòng ngừa và điều trị. Việt Nam có đủ nguồn lực và năng lực để ngăn chặn những tử vong không đáng có này bằng cách đảm bảo trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng được chăm sóc sức khỏe và được hưởng các điều trị cần thiết để sống, tăng trưởng và phát triển hết tiềm năng của mình”- Trưởng Đại diện UNICEF nhận định.

Nguyệt Hà