Print

Trao quyền cho lao động nữ thúc đẩy và đảm bảo tuân thủ pháp luật

Thứ Năm, 19 /05/2022 09:58

Việc trao quyền cho lao động nữ thúc đẩy và đảm bảo tuân thủ pháp luật. Bởi, khi không còn quấy rối, lạm dụng tại nơi làm việc, NLĐ được hưởng mức độ an sinh cao hơn, thì nhà máy cũng được tăng lợi nhuận...

Tại Hội thảo về thúc đẩy bình đẳng giới và phục hồi kinh tế sau đại dịch, TS.Khuất Thu Hồng- Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) đánh giá, Covid-19 đã gây nên những hệ lụy chưa có tiền lệ, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở lao động nữ trẻ tuổi, khiến họ phải làm thêm nhiều hơn nam giới khi mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, đại dịch làm giảm 9% tổng số giờ làm việc của các ngành gia công, sản xuất, gây ảnh hưởng khoảng 5,1 triệu phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này.

Lao động nữ ngành dệt may chịu tác động nặng nề nhất sau đại dịch Covid-19

Đáng chú ý, lao động nữ ngành dệt may chịu tác động nặng nề nhất, khi tổng số giờ làm việc giảm 14% so với trước dịch, nhiều người bị chuyển việc, tạm hoãn hợp đồng. Trong khi đó, với các ngành tập trung nhiều nam giới như xây dựng, giao thông và hậu cần kho bãi, hành chính công, quốc phòng, tổng số giờ làm chỉ giảm nhẹ, thậm chí còn tăng lên.

Theo TS.Hồng, phụ nữ đang gặp nhiều định kiến, rào cản khiến khó phát huy năng lực để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Lương bình quân của lao động nữ thấp hơn nam giới gần 30%; và tại nhiều nhà máy, họ luôn đối diện với nguy cơ bị quấy rối tình dục. Việt Nam dù đã có những bước tiến dài trong thu hẹp khoảng cách giới như Luật BHXH có thêm chế độ thai sản cho nam giới, nghỉ khi vợ sinh con, Bộ luật Lao động giảm khoảng cách nghỉ hưu giữa nam và nữ từ 5 năm xuống còn 2 năm vào năm 2035...; song khoảng cách giới còn tồn tại dai dẳng.

Điều này thể hiện ở tỷ lệ lao động nữ trong độ tuổi làm việc tham gia BHXH chiếm 60%- cao hơn nam giới, nhưng đến tuổi về hưu tình hình lại đảo ngược. Khoảng 16% phụ nữ trên 65 tuổi có lương hưu từ BHXH, trong khi tỷ lệ nam giới là 27,3%. Đến 80 tuổi, tỷ lệ này giảm ở nữ còn 6,9% và 25,9% ở nam. “Phần lớn lao động nữ trong các ngành gia công, may mặc từ làng quê mà đi, hết tuổi lao động lại trở về với đất đai, ruộng đồng. Nhưng phụ nữ sở hữu đất nông nghiệp thấp hơn 14% so với nam giới cũng sẽ là vấn đề nan giải trong tương lai”- TS.Hồng gợi mở vấn đề.

Còn theo bà Trần Thị Hồng Liên- Phó Giám đốc Văn phòng VCCI, các DN cần chú ý hơn đến chính sách phúc lợi, đặc biệt với những DN có đông lao động nữ. Khoảng 8.000 DN dệt may, da giày đang sử dụng 4,3 triệu lao động và 75% trong đó là nữ giới- họ đang phải chịu gánh nặng kép, vì ngoài công việc còn phải gánh thêm việc nhà, chăm sóc con cái. Việc sản xuất phục hồi sau đại dịch, tăng giờ làm thêm khiến nhiều công việc dài hơi cần lao động nữ.

Do vậy, trước mắt cần giải ngân nhanh những gói an sinh của Nhà nước như hỗ trợ tiền thuê trọ, giảm bớt thủ tục, quy trình để NLĐ sớm nhận được tiền. DN cũng cần thêm các gói chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho lao động sau dịch Covid-19; tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, đặc biệt với lao động nữ nghỉ ốm, nghỉ thai sản, chăm con nhỏ... để họ yên tâm làm việc.

Ngoài ra, chính sách pháp luật thời gian tới cần có quy định về cơ chế hỗ trợ tài chính cho NLĐ để họ có thể vượt qua những cú sốc như đại dịch. Cùng với đó, về lâu dài, Việt Nam cần cải thiện khả năng tiếp cận các chế độ BHXH và mức hưởng cho lao động nữ; tuyển dụng, trả lương công bằng và có thêm chính sách cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho lao động nữ.

Vũ Thu