Print

Bình Dương dẫn đầu về thu hút vốn FDI trong 4 tháng đầu năm 2022

Thứ Năm, 19 /05/2022 15:34

Theo UBND tỉnh Bình Dương, với tổng vốn đăng ký gần 2,35 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước và gấp hơn 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021, Bình Dương là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 4 tháng đầu năm 2022.

Đứng sau Bình Dương là tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư gần 1,57 tỷ USD; TP.HCM xếp thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1,28 tỷ USD. Đan Mạch là nước có số vốn đầu tư vào tỉnh Bình Dương cao nhất trong 4 tháng đầu năm 2022, với dự án Lego có tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, chiếm 54,7% tổng vốn đầu tư vào Bình Dương; xếp thứ hai là Trung Quốc với gần 254 triệu USD, chiếm 10,5%; Hồng Kông đứng thứ 3 với trên 50,7 triệu USD, chiếm 2,1%...

Theo ông Mai Bá Trước- Giám đốc Sở KH-ĐT Bình Dương, một trong những yếu tố khiến các DN nước ngoài đầu tư mạnh vào Bình Dương trong thời gian qua, đó là tỉnh Bình Dương liên tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, các tuyến đường vừa làm nhiệm vụ giao thông, vừa làm nhiệm vụ vận tải phục vụ phát triển công nghiệp, đồng thời kết nối các đô thị vệ tinh xung quanh thành phố mới Bình Dương. Đáng chú ý là các địa phương có nhiều KCN như: TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, huyện Bàu Bàng...

Sự đầu tư phát triển hệ thống giao thông của tỉnh Bình Dương đã giúp hoạt động kết nối giữa các KCN được thông suốt, đẩy mạnh quá trình lưu thông hàng hóa, tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển, tiết kiệm được chi phí cho DN. Hệ thống giao thông của tỉnh cũng kết nối với hệ thống giao thông của khu vực và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội cho toàn vùng và các khu vực lân cận.

Ông Võ Văn Minh- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước đổ mạnh vào các KCN của tỉnh Bình Dương. Để tiếp tục thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả, tỉnh đang xây dựng và phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Trong đó, tập trung đầu tư các trục giao thông trọng điểm, huyết mạch. Các dự án mở rộng đường ĐT743, cao tốc TP.HCM- Thủ Dầu Một- Chơn Thành khi hoàn thành sẽ giúp kết nối và giảm tải tuyến quốc lộ 13 qua Bình Dương, tạo sức bật cho phát triển kinh tế, đáp ứng hai mục tiêu lớn là giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến và phát triển đô thị của tỉnh.

Hiện, tỉnh Bình Dương đã sẵn sàng cho việc phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Theo đó, tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Lê Văn