Print

Nghèo đói đang đe dọa 1,5 triệu hộ gia đình đơn thân ở Hàn Quốc

Thứ Năm, 19 /05/2022 15:37

Bất bình đẳng giới là một vấn đề quan ngại ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Hàn Quốc. Ước tính năm 2020, Hàn Quốc có 1,5 triệu hộ gia đình đơn thân mà chủ gia đình là phụ nữ.

Theo số liệu của Chính phủ, phụ nữ Hàn Quốc kiếm được thu nhập ít hơn 63% so với nam giới; còn theo OECD, “16,5% hộ gia đình nghèo ở Hàn Quốc dành ít nhất 30% thu nhập của họ cho việc học hành của con cái”. Bất bình đẳng giới, cùng với những yêu cầu cao về chăm sóc con cái, các hộ gia đình đơn thân có chủ gia đình là phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn.

Về mặt giáo dục, sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, gây áp lực buộc các hộ gia đình phải chi tiêu nhiều hơn cho việc học của con cái. Sự phổ biến và được ưa chuộng của giáo dục tư nhân càng làm bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng. Trung bình, các hộ gia đình Hàn Quốc chi trả khoảng 42% thu nhập cho học phí Tiểu học và Trung học của con cái họ, so với mức trung bình của OECD là 22%. Bên cạnh đó, họ còn phải chi trả cho "hakwon"- có thể hiểu nôm na là những buổi dạy kèm riêng với chi phí khoảng "18% thu nhập trung bình của hộ gia đình cho mỗi học sinh". Đối với những bà mẹ đơn thân Hàn Quốc, việc lo lắng tiền học cho con cái thực sự là gánh nặng, đó là chưa kể đến họ phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội về việc sinh con ngoài hôn nhân (ví dụ, trong sổ đăng ký khai sinh của Hàn Quốc, dùng ở trường học và nơi làm việc, ghi rõ con họ là con ngoài giá thú).

Gần một nửa số phụ nữ ở Hàn Quốc không có việc làm trong năm 2017, do nhiều người trong số họ chủ động rời bỏ lực lượng lao động để chăm sóc con cái. 76% phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 34 có trình độ Đại học, trong khi đó, con số này ở nam giới cùng độ tuổi chỉ là 64%. Phụ nữ không phải thành phần chính trong lực lượng lao động, những người tham gia vào thị trường lao động thì có mức thu nhập ít hơn đáng kể so với đồng nghiệp nam. 71% phụ nữ đi làm ở Hàn Quốc phải làm việc ít nhất 40 giờ/tuần, 17% làm việc ít nhất 60 giờ/tuần- cả hai mức này đều cao hơn đáng kể so với mức trung bình của OECD. Một vài phác thảo như vậy có thể thấy, gánh nặng tài chính đối với những bà mẹ đơn thân nặng nề như thế nào, họ không có người phối ngẫu hỗ trợ, thậm chí không thể lựa chọn tiếp tục làm việc hay nghỉ việc.

Chính phủ Hàn Quốc trên thực tế cũng không có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình đơn thân. Nếu một phụ huynh đơn thân kiếm được ít hơn 1,55 triệu won/tháng (tương đương 1.400 USD), Chính phủ sẽ hỗ trợ họ 200.000 won (tương đương 180 USD). Theo tính toán, nếu thu nhập trung bình hàng tháng của một hộ gia đình Hàn Quốc là 4 triệu won (tương đương 3,640 USD) là vừa đủ để trang trải hầu hết các chi phí trong tháng, thì khoản hỗ trợ của Chính phủ cho hộ gia đình đơn thân không đáng kể. Cuối cùng, việc làm mẹ đơn thân vẫn là một trong những việc bị kỳ thị xã hội ở Hàn Quốc, định kiến nặng nề khiến chính người thân, gia đình của họ từ chối không hỗ trợ.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng hộ gia đình đơn thân ở Hàn Quốc vẫn chứng tỏ ý chí kiên cường của mình. Trong những năm qua, trình độ học vấn của cha/mẹ đơn thân thuộc diện hộ nghèo tăng lên, làm cho mức sống và thu nhập khả dụng của họ cũng tăng lên. Những bà mẹ đơn thân- những người phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội, đã thành lập Hiệp hội Gia đình đơn thân có chủ hộ là phụ nữ Hàn Quốc (KUMFA) để tạo nên một “sân chơi” chung, cùng giúp đỡ nhau về kinh tế và nuôi dạy con cái, chống lại sự kỳ thị của xã hội, không để hoàn cảnh của họ ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái họ.

KUMFA thành lập năm 2009, ban đầu chỉ là một diễn đàn bà mẹ đơn thân tâm sự, gặp mặt hàng tháng. Sau đó, nó đã phát triển thành một tổ chức quy mô, thường “tổ chức các trại vào mỗi dịp lễ lớn ở Hàn Quốc để tạo môi trường gia đình cho bà mẹ và trẻ em trong các kỳ nghỉ lễ”; “cung cấp các chương trình hỗ trợ giáo dục, thể dục thể thao/vận động và tư vấn tâm lý cho bà mẹ đơn thân”; “là nơi phụ nữ thể hiện sự kiên cường và là một ví dụ tuyệt vời về tình đoàn kết giữa những người cùng cảnh ngộ”.

Tùng Anh (Theo Seoul News)