Print

TP.HCM không tự đề xuất tăng học phí cao gấp 5 lần

Thứ Năm, 19 /05/2022 19:30

Trước câu hỏi của phóng viên Tạp chí BHXH liên quan đến đề xuất tăng học phí năm học 2022-2023, vào lúc xăng và sinh hoạt phí đang tăng giá, tại cuộc họp báo chiều nay (19/5) ở Trung tâm Báo chí TP.HCM, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM đã khẳng định "TP.HCM không hề tự đề xuất tăng học phí".

Vậy vì sao lại có chuyện Sở GD-ĐT TP.HCM đang lấy ý kiến các sở, ban, ngành ở địa phương này để hoàn thiện đề xuất tăng học phí năm học 2022-2023, với mức tăng gấp 5 lần ở bậc học THPT so với trước đó? Giải thích cặn kẽ vấn đề này, ông Hồ Tấn Minh- Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, TP.HCM buộc phải làm như vậy để có đủ cơ sở pháp lý đối với vấn đề thu học phí trong năm học 2022-2023.

Ông Hồ Tấn Minh đang trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí BHXH tại cuộc họp báo

Cụ thể, Nghị định 86 của Chính phủ ban hành hồi năm 2015 về các mức hỗ trợ chi phí học tập đã hết hiệu lực từ năm 2021. Trong suốt thời gian đó, TP.HCM áp dụng Nghị định 86 và giữ nguyên mức học phí, không tăng đồng nào, dù hầu hết địa phương cả nước đều điều chỉnh mức học phí hàng năm (tăng tối đa không quá 7,5% theo quy định).

Hồi tháng 8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 81 thay thế Nghị định 86. Đến ngày 15/10/2021, Nghị định 81 chính thức có hiệu lực- đây là cơ sở pháp lý đối với vấn đề học phí các bậc học từ mầm non đến THPT. Vì vậy, TP.HCM buộc phải đề xuất thực hiện điều chỉnh theo chính sách chung. Đáng nói là, mức học phí “sàn” của bậc học THPT trong Nghị định 81 đã cao hơn 5 lần so với mức học phí mà TP.HCM đang áp dụng.

Theo ông Minh, nếu năm nào TP.HCM cũng tăng học phí 7,5%, thì khi áp dụng mức “sàn” theo Nghị định 81, cộng đồng sẽ không bị “sốc” vì cao hơn đến 5 lần. Vì sự nghiệp trồng người, TP.HCM đã duy trì mức học phí “sàn” theo Nghị định 86 kể từ năm 2015 và không tăng đến nay.

Cũng theo ông Minh, thực ra ngay khi Nghị định 81 chính thức có hiệu lực vào ngày 15/10/2021 và thay thế Nghị định 86, về mặt pháp lý, TP.HCM phải thực hiện điều chỉnh ngay. Tại thời điểm đó, trước tình hình khó khăn của cả thành phố ngay sau những tháng ngày cao điểm phòng chống dịch Covid-19, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND Thành phố lùi thời gian điều chỉnh học phí.

Không chỉ vậy, Sở GD-ĐT TP.HCM còn tham mưu cho UBND Thành phố miễn, giảm học phí trong năm học có dịch bệnh Covid-19 càn quét. “Đến thời điểm này không thể lùi được nữa, TP.HCM phải thực hiện Nghị định 81 của Chính phủ”- ông Minh chia sẻ.

Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM còn khẳng định, trong đề xuất điều chỉnh học phí đang lấy ý kiến để hoàn thiện, phía Sở đã tham mưu mức “sàn” (thấp nhất) mà Nghị định 81 cho phép. Theo ông Minh, học phí chỉ là phần rất nhỏ trong cơ cấu tài chính học đường mà lâu nay TP.HCM “rót” bằng ngân sách để vận hành mạng lưới giáo dục trên địa bàn.

Do đó, nếu không có gì thay đổi về chính sách chung đối với học phí, thì TP.HCM vẫn duy trì mức học phí cũ như những năm trước đó. Ngoài ra, tương tự Nghị định 86 đã hết hiệu lực, Nghị định 81 cũng là cơ sở pháp lý để hỗ trợ miễn, giảm học phí theo từng cấp học. Nếu không thực hiện điều chỉnh học phí theo Nghị định mới, việc miễn, giảm học phí lâu nay thực hiện cũng không có cơ sở duy trì.

Sở dĩ dư luận quan tâm nhiều đến câu chuyện điều chỉnh học phí ở TP.HCM, là bởi trước đó trong đề xuất của Sở GD-ĐT, mức học phí năm học 2022-2023 của bậc học THPT cao hơn mức cũ đến 5 lần, từ 60.000 đồng tăng đến 300.000 đồng. Các bậc học còn lại cũng đồng loạt gia tăng, trừ bậc tiểu học vẫn duy trì không thu học phí như từ trước đến nay.

Thanh Giang