Print

An sinh xã hội cho tài xế xe công nghệ: “Khoảng trống” cần quan tâm!

Thứ Sáu, 20 /05/2022 11:11

Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa khuyến nghị tăng cường tiếp cận và tham gia các chương trình an sinh xã hội của tài xế xe công nghệ (Grab, Now, Gojek, Be, Aha...) gửi Bộ LĐ-TB&XH để trình cấp có thẩm quyền xem xét; đồng thời làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật BHXH; cải thiện điều kiện việc làm cho tài xế xe công nghệ.

Theo ông Phan Văn Anh- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cả nước có khoảng 200.000 tài xế xe công nghệ (ô tô, xe máy), trong đó gần 50% hành nghề tại Hà Nội và TP.HCM. Cuối năm 2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng thực hiện khảo sát về hiện trạng việc làm, khả năng tiếp cận chính sách an sinh xã hội của tài xế xe công nghệ với sự tham gia của 500 tài xế Grab.

Kết quả cho thấy, 2/3 số tài xế đã có gia đình và 60% nuôi dưỡng từ 2 người trở lên. “Thu nhập của họ khá thấp, với tài xế xe máy là 318.000 đồng/ngày, khoảng 7 triệu đồng/tháng; tài xế ô tô là 564.000 đồng/ngày, khoảng 12 triệu đồng/tháng. Các khoản thưởng, trợ cấp, chương trình hỗ trợ... từ công ty cung ứng dịch vụ không thường xuyên và khá thấp”- ông Phan Văn Anh chia sẻ.

Cũng theo ông Phan Văn Anh, thu nhập của tài xế xe công nghệ không cao, nhưng áp lực làm việc lại rất lớn. Thời gian làm việc bình quân mỗi ngày của tài xế xe máy là 9,2 giờ, ô tô là 11,2 giờ; các ngày lễ, Tết dường như không có. Ngoài ra, họ còn phải làm việc trong điều kiện vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn…

Về chính sách an sinh xã hội, chỉ có 7% số tài xế tham gia BHXH. Lý do không tham gia BHXH tự nguyện là do không đủ tiền (chiếm 68%), không thấy nhiều lợi ích (21%), không hiểu biết hoặc không có nhu cầu (11%). Qua khảo sát, có tới 66,7% số tài xế mong muốn được tiếp cận các chương trình an sinh xã hội; 24,2% mong muốn được địa phương hỗ trợ và 53% mong muốn tham gia một hội, nhóm… dành cho người lái xe. Đặc biệt, có tới 45,5% tài xế hy vọng được Công ty Grab tư vấn, hỗ trợ tham gia BHXH… Trên cơ sở đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam khuyến nghị cần có nghiên cứu sâu rộng, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình an sinh xã hội cho đối tượng này.

Theo các chuyên gia, hiện nay vẫn còn “khoảng trống” về pháp luật khi tài xế xe công nghệ không được bảo vệ bởi Bộ luật Lao động về ngày nghỉ có lương, kể cả nghỉ vì công việc như sửa xe, bảo trì xe, hỗ trợ khi ốm đau, tai nạn. Với tài xế nữ còn thêm nỗi lo bị quấy rối, xâm hại tình dục… Nguyên nhân chính là bởi các tài xế xe công nghệ không được ký HĐLĐ, nên nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động.

Bên cạnh đó, cũng chưa có chuẩn mực nghề nghiệp và khung pháp lý rõ ràng quy định chế độ phúc lợi xã hội cho lực lượng này. Do đó, tài xế xe công nghệ không được hưởng chế độ BHXH, BHYT bắt buộc, không có các chế độ phúc lợi xã hội nào khác… Do vậy, theo TS.Vũ Minh Tiến- Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), Quốc hội, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam cần nghiên cứu và ban hành hướng dẫn cụ thể về BHXH, BHYT cho đối tượng đặc thù như tài xế xe công nghệ. Đồng thời, cần tiếp tục sửa đổi nhằm tăng sự hấp dẫn, công bằng hơn giữa các loại hình bảo hiểm. Đặc biệt, cần có quy định khuyến khích đơn vị cung ứng dịch vụ kết nối hỗ trợ các lái xe tham gia các chính sách, nhất là BHXH, BHYT.

Hoài Anh