Print

WMO: Các đại dương đang ấm lên, dâng cao và có tính axit hơn

Thứ Sáu, 20 /05/2022 14:45

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), các đại dương trên thế giới đang “ấm lên, dâng cao và có tính axit hơn”- đây là một trong những bất ổn do biến đổi khí hậu gây ra.

Trong Báo cáo thường niên Tình trạng khí hậu toàn cầu, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: “Khí hậu trên Trái đất vẫn đang thay đổi; thế nhưng, nghị trường thế giới hiện tại có rất ít thời lượng dành cho thách thức về vấn đề này. Lý do chính là vì các cuộc khủng hoảng khác, chẳng hạn như đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Nga- Ukraine đã thu hút hết sự chú ý của thế giới”. Báo cáo thường niên Tình trạng khí hậu toàn cầu dựa trên đánh giá mới nhất của LHQ, trong đó, cảnh báo rằng nhân loại phải tiếp tục cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nếu không sẽ phải đối mặt với thay đổi ngày càng nghiêm trọng đối với khí hậu thế giới.

Ông Selwin Hart, cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres về hành động khí hậu, bày tỏ quan ngại về việc các quốc gia không tuân theo những cam kết về khí hậu vì nhiều lý do, điều này đã đẩy giá năng lượng lên cao và khiến các quốc gia châu Âu tìm cách thay thế Nga trở thành nhà cung cấp năng lượng: "Chúng ta đang chứng kiến nhiều nền kinh tế lớn đang bị cuốn vào vòng xoáy năng lượng, trong quá trình sản xuất sẽ thải ra nhiều carbon, gây ô nhiễm không khí cao và sẽ đặt các mục tiêu khí hậu của chúng ta vào nguy cơ bị phá vỡ".

Trung tuần tháng 5/2022, MSCI (Morgan Stanley Capital International)– Công ty Nghiên cứu đầu tư cung cấp các chỉ số chứng khoán cảnh báo, thế giới sẽ phải đối mặt với sự gia tăng nguy hiểm của khí thải nhà kính nếu khí đốt của Nga được thay thế bằng than đá. Báo cáo của WMO cũng cho biết, mức độ khí CO2, khí metan trong khí quyển vào năm 2021 đã vượt qua các kỷ lục trước đó. Trên toàn cầu, nhiệt độ trung bình năm ngoái cao hơn 1,11°C so với mức trung bình. Cứ 6 ca tử vong trên toàn cầu thì có 1 ca có nguyên nhân do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Các đại dương cũng chịu nhiều tác động của việc Trái đất nóng lên vì khí thải nhà kính. Nước hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt tích lũy của Trái đất và 23% lượng khí thải carbon dioxide từ hoạt động của con người, làm các đại dương ấm lên nhanh hơn rõ rệt trong 20 năm qua, đạt mức cao mới vào năm 2021 và dự kiến sẽ còn tăng lên nữa. Sự thay đổi này có thể sẽ mất hàng thế kỷ hoặc hàng thiên niên kỷ để khôi phục trạng thái ban đầu.

Không chỉ có vậy, đại dương cũng có tính axit cao nhất trong ít nhất 26.000 năm trở lại đây vì hấp thụ và phản ứng với nhiều carbon dioxide hơn trong khí quyển. Mực nước biển đã tăng 4,5cm trong thập kỷ qua, với mức tăng hằng năm từ năm 2013 đến năm 2021, hơn gấp đôi so với mức từ năm 1993 đến năm 2002. Nhiều đợt nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng, lũ lụt và các thảm họa liên quan đến khí hậu khác trên khắp thế giới đã ghi nhận con số về thiệt hại hơn 100 tỷ USD.

Tùng Anh (Theo Today Online)