Print

Từ nay đến cuối năm, TP.HCM cần khoảng 135.000 đến 150.000 lao động

Thứ Năm, 02 /06/2022 16:32

Tại phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội của TP.HCM 5 tháng đầu năm 2022, đại diện các ngành chức năng dự báo, từ nay đến cuối năm, TP.HCM cần khoảng 135.000 đến 150.000 lao động.

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng- Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, thành phố đã giải quyết việc làm cho 136.354 lượt người, đạt 45,45% kế hoạch năm 2022, trong đó việc làm mới là 60.864 lượt, đạt 34,84% kế hoạch năm 2022. So với cùng kỳ, số lao động được giải quyết việc làm tăng 845 lượt (tăng 1,95%); số chỗ việc làm mới tăng 102 chỗ (tăng 1,41%).

Phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội của TP.HCM 5 tháng đầu năm 2022 

Về hoạt động liên quan đến NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, từ đầu năm đến nay, thành phố đã thẩm định và ban hành thông báo chấp thuận 5.464 vị trí công việc được sử dụng 5.558 lao động người nước ngoài. Tổng số người nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động là 7.048 trường hợp; xác nhận thu hồi giấy phép lao động người nước ngoài hết hiệu lực của 382 trường hợp.

Còn theo ông Lê Văn Thinh- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, hiện nay có khoảng 98% cơ sở sản xuất của TP.HCM đã quay trở lại phục hồi sản xuất. Qua khảo sát đối với 37.000 DN cho thấy, nhu cầu lao động là trên 83.000 người, nhưng mới chỉ có khoảng 67.000 lao động có nhu cầu tìm việc.

Ông Lê Văn Thinh- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH báo cáo về tình hình việc làm

Ông Lê Văn Thinh cũng cho hay, dự báo từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ cần khoảng 135.000 đến 150.000 lao động. Bên cạnh đó, thành phố đã tiếp nhận 47.024 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 41.690 NLĐ đủ điều kiện, tiếp nhận 156.671 lượt trường hợp đến thông báo về tìm kiếm việc làm; thực hiện hỗ trợ NLĐ chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg cho 817 người, với số tiền trên 3,299 tỷ đồng.

Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ cung ứng, cung cầu lao động trên thị trường lao động TP.HCM. Đặc biệt, đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị như: Sở KH-ĐT, BHXH TP.HCM... xây dựng CSDL dùng chung về lao động, DN để kết nối, gắn kết thông tin thị trường lao động.

Để triển khai hiệu quả, Sở cũng kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho đơn vị xây dựng Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm DVVL TP.HCM để thực hiện tốt vai trò tư vấn, giải quyết việc làm, kết nối cung cầu lao động. Qua đó, kết nối lao động không chỉ ở phạm vi trong thành phố, mà còn với các tỉnh, thành lân cận...

Phạm Thọ