Print

Quản lý chặt chẽ các thuốc có nguy cơ cao gây hại cho người sử dụng

Thứ Năm, 16 /06/2022 14:22

Tất cả các thuốc đều có thể gây ra những phản ứng không mong muốn, có hại hoặc ảnh hưởng đến cơ thể người sử dụng ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, sử dụng thuốc để chữa bệnh phải tuân thủ những quy định chặt chẽ về cách dùng, liều lượng dùng, mục đích dùng để làm sao mang lại hiệu quả điều trị và an toàn nhất cho người bệnh.

Thuốc là những chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người, nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người. Thuốc chữa bệnh bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc-xin và sinh phẩm. Tất cả các thuốc đều có thể gây ra những phản ứng không mong muốn, có hại hoặc ảnh hưởng đến cơ thể người sử dụng ở các mức độ khác nhau.

Vì vậy, sử dụng thuốc để chữa bệnh phải tuân thủ những quy định chặt chẽ về cách dùng, liều lượng dùng, mục đích dùng để làm sao mang lại hiệu quả điều trị và an toàn nhất cho người bệnh. Không phải tự nhiên mà người ta thường nói “thuốc là con dao hai lưỡi”. Bởi vì, ranh giới giữa thuốc chữa bệnh và gây hại cho cơ thể nhiều khi rất mong manh, trong đó cần thận trọng nhất đối với những thuốc có nguy cơ cao gây tổn hại sức khoẻ cho người sử dụng.

Thuốc nguy cơ cao (High alert medications- HAMs) là những thuốc có khả năng gây ra tổn hại đáng kể cho bệnh nhân nếu bị sai sót trong quá trình sử dụng (vô tình hoặc cố ý). Mặc dù tần suất sai sót liên quan đến các thuốc này không thường xuyên hơn những thuốc khác, nhưng hậu quả của việc xảy ra sai sót có thể rất nghiêm trọng trên bệnh nhân. Việc một thuốc từ chữa bệnh cứu người thành nguyên nhân gây độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ rất dễ xảy ra, nếu công tác quản lý thuốc HAMs không được chú trọng.

Vậy thuốc nguy cơ cao là những thuốc nào?

Không có danh mục tiêu chuẩn nào các thuốc nguy cao chung cho các cơ sở y tế. Mỗi một cơ sở y tế sẽ phải xây dựng riêng cho mình Danh mục các thuốc HAMs dựa trên các báo cáo sai sót y khoa hoặc phản ứng có hại nghiêm trọng tại chính các cơ sở y tế đó. Đó là một phần quan trọng của công tác dược lâm sàng tại các cơ sở y tế có sử dụng thuốc điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, các dược sĩ lâm sàng cần phải chuẩn bị sẵn một danh mục những thuốc mà hoạt chất của nó có nguy cơ tiềm tàng rất cao gây phản ứng có hại cho người sử dụng. Một số trong đó là những thuốc sau đây:

Quản lý thuốc nguy cơ cao như thế nào?

Các cơ sở y tế cần phải xây dựng Danh mục thuốc nguy cơ cao và phải được phổ biến tới nhân viên y tế tại cơ sở đó bằng văn bản và thông qua các buổi tập huấn, giao ban, kiểm tra quy chế dược. Thuốc nguy cơ cao nên được để ở vị trí riêng có dán nhãn cảnh báo để tránh sai sót và quản lý chặt chẽ trong giao nhận, sử dụng bởi các quy chế sử dụng thuốc được quy định bởi các thông tư hiện hành của Bộ Y tế.

Bất kỳ có sự thay đổi về tên biệt dược, màu sắc, dạng bào chế của thuốc nguy cơ cao đều phải thông tin tới người sử dụng càng sớm càng tốt. Các thuốc nguy cơ cao phải được kiểm tra chéo trước khi chuẩn bị, cấp phát và sử dụng cho bệnh nhân. Thiết lập hệ thống để đảm bảo thuốc được chuẩn bị bởi một nhân viên y tế và sau đó được kiểm tra lại bởi một nhân viên y tế khác.

Tất cả các thuốc nguy cơ cao xuất từ khoa dược phải được kiểm tra chéo bởi nhân viên khác của khoa dược trước khi cấp phát với mục đích đảm bảo an toàn và chính xác theo các quy trình thao tác chuẩn (SOP: Standard operating procedure). Nhân viên khoa dược và điều dưỡng khi giao nhận thuốc có nguy cơ cao phải tuân thủ các quy chế chuyên môn liên quan đến chống nhầm lẫn qua danh mục LASA (nhìn giống nhau, đọc giống nhau).

Một số thuốc nguy cơ cao được thiết kế phiếu lĩnh riêng theo quy chế thuốc độc, thuốc gây nghiện, thuốc cần phải hội chẩn trước khi dùng… Việc theo dõi và báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) và các sai sót y khoa liên quan đến thuốc nguy cơ cao cần phải được duy trì bởi tổ chức Thông tin thuốc và theo dõi ADR của các khoa dược của BV. Thực hiện các biện pháp kiểm tra, đối chiếu trước khi sử dụng thuốc và đặc biệt là quy tắc 5 đúng: Đúng bệnh nhân, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng và đúng thời gian.

Việc quản lý chặt chẽ các thuốc nguy cơ cao một cách khoa học sẽ giúp giảm thiểu sai sót khi dùng thuốc và góp phần quan trọng ngăn chặn những tai biến đáng tiếc xảy ra trong quá trình dùng thuốc. Đây cũng là lý do, mục đích và hiệu quả một khi công tác dược lâm sàng được chú trọng, duy trì và phát huy tại các cơ sở y tế có sử dụng thuốc, nhất là đối với các thuốc có nguy cơ cao. Người dùng thuốc cần tuân thủ nghiêm túc các chỉ định sử dụng, không tự ý tăng liều hay phối hợp thêm các loại thuốc khác. Phản ánh kịp thời tất cả các biểu hiện khác thường trong quá trình dùng thuốc cũng góp phần ngăn chặn các nguy cơ rủi có thể xuất hiện khi điều trị bằng thuốc.

ThS.Lê Quốc Thịnh