Print

Lần đầu tiên Việt Nam vượt mốc 100 nghìn DN đang hoạt động

Thứ Tư, 29 /06/2022 14:19

Số DN gia nhập và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 116,9 nghìn DN- lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn DN. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021...

Kinh tế khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực

Chia sẻ tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng năm 2022 diễn ra sáng nay (29/6), bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…

Đặc biệt, điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tác động từ cuộc xung đột Nga-Ucraina. Giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, ngày 8/1/2022Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Các Nghị quyết đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết liệt thực hiện. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 vẫn giữ mức tăng khá trong bối cảnh ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường từ đầu quý II/2022 và giá vật tư đầu vào tăng cao. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định; hoạt động khai thác và tiêu thụ gỗ có nhiều khởi sắc; nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tốt do nhu cầu tiêu dùng và giá xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, sản lượng khai thác biển giảm do giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá nằm bờ. Sản lượng lúa đông xuân giảm do chuyển đổi diện tích đất trồng lúa và thời tiết không thuận lợi.

Sản xuất công nghiệp trong quý II/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký DN trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số DN gia nhập và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm đạt 116,9 nghìn DN (lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn DN). Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, DN lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 với 85% DN đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý II/2022.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2022 cho thấy: Có 42,1% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2022; 36,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 21,6% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến, quý III/2022 có 49,2% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2022; 35,8% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 15% số DN dự báo khó khăn hơn.

Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 27,3% so cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách vận chuyển tăng 80,1% và luân chuyển tăng 125,8%; vận tải hàng hóa tăng 29% về vận chuyển và tăng 36,3% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6 đạt 236,7 nghìn lượt người, tăng 36,8% so với tháng trước và gấp 32,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 6, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,02 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Thu NSNN 6 tháng đầu năm 2022 tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi NSNN tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm quý II/2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi, lực lượng lao động, số người đang làm việc, thu nhập bình quân tháng tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,39% (quý II là 2,32%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,93%; khu vực nông thôn là 2,05%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm ước tính là 2,48%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,88%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,85%.

Bên cạnh đó, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ xã hội từ nguồn ngân sách và xã hội hóa là gần 1,7 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền, quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 1,4 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền và quà cho các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng là gần 2,4 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột biến, bất thường (thiên tai, bão lũ…) phát sinh tại địa phương hơn 4,3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 28,7 triệu thẻ BHYT/sổ KCB miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 của Chính phủ tiếp tục được thực hiện. Tính đến ngày 15/6/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP đã triển khai được hơn 43,5 nghìn tỷ đồng, cho 36,7 triệu lượt NLĐ và gần 381,7 nghìn đơn vị/hộ kinh doanh có SDLĐ; gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP với tổng mức hỗ trợ gần 38,4 nghìn tỷ đồng cho gần 13 triệu lượt NLĐ và gần 346,7 nghìn đơn vị/hộ kinh doanh; gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP với mức hỗ trợ đạt 14,1 tỷ đồng cho 25.660 NLĐ của 487 đơn vị SDLĐ.

Thái An