Print

Tây Nguyên cần phát triển nhanh, bền vững, hài hòa

Thứ Sáu, 01 /07/2022 17:00

Sáng 1/7, tại Đắk Lắk, đã diễn ra Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên. Thủ tướng Phạm Minh Chính- Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW chủ trì Hội nghị.

Hội nghị lần này nhằm tiếp tục lắng nghe các ý kiến đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020; các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, đánh giá thực trạng việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW; dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới tác động đến phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên; xác định vị trí, vai trò, cơ hội, tầm quan trọng và ảnh hưởng của vùng Tây Nguyên đối với phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng với vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia và cả nước; điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Nguyên; đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chuẩn bị tốt nội dung, chương trình Hội nghị; các báo cáo, tham luận sâu sắc, thẳng thắn, khách quan, tâm huyết, trách nhiệm, có tính xây dựng, khoa học và giàu tính thực tiễn, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung để các cơ quan tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, văn bản trình cấp có thẩm quyền.

Theo Thủ tướng, Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với cả nước và khu vực Đông Dương; đất rộng, người thưa, tiềm năng lớn, với diện tích 54.508 km2 (16,5% diện tích cả nước), dân số trên 5,9 triệu người (chiếm 5,1% dân số cả nước).
Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002. GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, tốc độ tăng GRDP và của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Tây Nguyên đều cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/người/năm, gấp 10,6 lần năm 2002. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ.

Công nghiệp phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%). Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông sản lớn (cà phê, cao su, chè, tiêu, bông, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy), nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước. Dịch vụ, du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái-văn hóa có sức hấp dẫn. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2002-2020 đạt 19%/năm, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất các vùng.

Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; hệ thống giáo dục, đào tạo được đầu tư đồng bộ; mạng lưới y tế được củng cố (từ năm 2010 đến 2020, số BV tăng từ 75 lên 90, có trạm y tế ở tất cả các xã, phương, số giường bệnh tăng từ 8.647 lên 14.742). Các di tích văn hóa, lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được chú trọng. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 82,8% năm 2010 lên 96,7% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm khá (từ 18,5% năm 2016 xuống 11% năm 2020); các Chương trình MTQG được triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện căn bản đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Làm tốt công tác dân tộc, nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong phát triển sản xuất, giảm nghèo.

Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố vững chắc, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên được nâng lên; cơ bản giải quyết tình trạng “trắng” đảng viên và tổ chức Đảng. Xây dựng chính quyền các cấp được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội được nâng cao; phát huy tốt vai trò già làng, người có uy tín, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố…

Tuy nhiên, hiện nay, Tây Nguyên phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội, lợi thế, do cơ chế chính sách còn hạn hẹp, đầu tư chưa tương xứng, tính tự lực, tự cường chưa được phát huy mạnh mẽ, thể chế chưa giải quyết được hết những vấn đề còn vướng mắc, việc tổ chức thực hiện cần phải cố gắng, hiệu quả hơn nữa. Tăng trưởng kinh tế chậm lại trong giai đoạn 2011-2020. Các tỉnh Tây Nguyên chưa tự cân đối được ngân sách địa phương. GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao. Phát triển văn hóa, xã hội, y tế còn nhiều bất cập, văn hóa chưa ngang tầm kinh tế- chính trị- xã hội. Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo đột phá cho phát triển…

Thủ tướng nêu rõ, việc tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nhìn lại chặng đường 20 năm vừa qua và xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển cho toàn vùng Tây Nguyên trong giai đoạn sắp tới… Do đó, Thủ tướng yêu cầu Báo cáo tổng kết phải bám sát nội dung và cấu trúc của Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW, bám sát tình hình thực tiễn, qua đó phải nêu bật, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu đạt được và những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; xác định rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực nêu tại Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ 5 tỉnh trong vùng, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm phát triển đất nước, bám sát thực tiễn để xây dựng báo cáo tổng kết, góp phần quan trọng xác định mục tiêu tổng quát, cụ thể, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới cho vùng Tây Nguyên.

Nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng, cần nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đối với cả nước ở tất cả các cấp, các ngành; phát triển vùng Tây Nguyên phải tập trung và kết hợp giải quyết đồng bộ cả về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; gắn phát triển kinh tế với chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; khơi dậy niềm tự hào, biến giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, ý chí, khát vọng vươn lên, tự lực, tự cường, đoàn kết thành động lực phát triển; phải có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực phát triển, nhất là hợp tác công tư, nguồn lực xã hội và đầu tư nước ngoài.

Theo đó, quan điểm phát triển xác định Tây Nguyên là địa bàn chiến lược; phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó phải chú trọng phát huy tinh thần tự lực, tự cường và đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Nếu trước đây chúng ta xác định Tây Nguyên cần “ổn định để phát triển”, thì nay ưu tiên cho phát triển để góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và thúc đẩy đối ngoại; thích ứng linh hoạt với mọi diễn biến của tình hình, nhất là trước các cú sốc, luôn giữ vững bình tĩnh, không hoang mang lo sợ, tranh thủ tối đa thuận lợi, hóa giải các thách thức để phát triển.

Cùng với đó, mục tiêu phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt trên 4 trụ cột: Kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh. Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của từng địa phương. Đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng, liên kết chặt chẽ với duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Tiểu vùng sông Mekong và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia và ASEAN.

Đặc biệt, phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững, hài hòa, lấy con người là mục tiêu, là trung tâm, là động lực phát triển, lấy văn hóa là nền tảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên. Tây Nguyên cũng cần phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trong đó hình thành một số sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu quốc tế; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là điểm đến đặc sắc thu hút khách du lịch; hệ sinh thái được bảo tồn, an ninh nguồn nước được đảm bảo; an ninh chính trị ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.

Về một số định hướng, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Thứ hai, phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng. Thứ ba, phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường. Thứ tư, phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Thứ năm, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thứ sáu, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bằng các biện pháp khác nhau…

Trên cơ sở báo cáo tổng kết, các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tổng kết, tiếp thu đối đa để hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW, hoàn thiện dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết mới của Bộ Chính trị, huy động tối đa trí tuệ tập thể, tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kế hoạch.

PV