Print

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về dân tộc và tôn giáo

Thứ Sáu, 01 /07/2022 20:33

Ngày 1/7, tại TP.HCM, Bộ TT-TT tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo cho các phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TT-TT) cho biết, thông qua Hội nghị này nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chính sách dân tộc, truyền thống lịch sử; cũng như quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật về dân tộc, tín ngưỡng; qua đó góp phần nâng cao những giá trị về tôn giáo đối với đời sống xã hội.

Ông Hồ Hồng Hải phát biểu tại Hội nghị

Đặc biệt, qua kênh thông tin báo chí sẽ góp phần xây dựng nhận thức đúng đắn của xã hội về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách, pháp luật về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ đó, tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng.

Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để chia sẻ thêm kiến thức đến các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí về vấn đề dân tộc, tôn giáo; tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo.

Tại Hội nghị, ông Đinh Xuân Thắng- Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc), thành viên Tổ công tác liên ngành thực hiện Đề án 219 trình bày chuyên đề về "Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc Việt Nam"; bà Nguyễn Thúy Hà- Trưởng ban Quản lý khoa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) trình bày chuyên đề về "Chính sách, pháp luật và kỹ năng tuyên truyền chính sách, pháp luật về tôn giáo".

Trình bày chuyên đề "Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc Việt Nam", ông Đinh Xuân Thắng cho biết, Việt Nam hiện có 53 DTTS với 14,123 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Trong đó: Có 6 dân tộc có dân số hơn 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Mông, Nùng, Khmer); có 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người (Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La). Hầu hết các DTTS sinh sống ở vùng núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa và tập trung chủ yếu ở một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nam Bộ. Đồng bào DTTS có rất nhiều đóng góp cho công cuộc bảo vệ và gìn giữ, phát triển đất nước.

Ông Đinh Xuân Thắng chia sẻ tại Hội nghị

Thông tin về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, ông Đinh Xuân Thắng cho biết, đến nay Nhà nước đã ban hành 118 chính sách và bố trí nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Do đó, đời sống bà con các DTTS đến nay có nhiều chuyển biến rõ nét, 100% huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9%; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3% xã có trạm y tế; gần 100% số xã có Nhà Văn hóa hoặc Điểm Bưu điện-Văn hóa.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đồng bào DTTS và miền núi những năm gần đây đạt mức khá cao, giai đoạn 2016-2018 đạt bình quân trên 7% và tăng dần hằng năm, cao hơn bình quân chung cả nước (năm 2016 tăng 6,67%, năm 2017 tăng 6,89%, năm 2018 tăng 7,56%); năm 2018 có 21/52 địa phương có tốc độ tăng trưởng đạt trên 8%. Đời sống của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; bình quân toàn vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 2-3%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm, các huyện nghèo giảm 5-6%/năm...

Tuy nhiên, so với sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế-xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu-nghèo có xu hướng gia tăng. Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển, nhưng do xuất phát điểm thấp, nên vùng DTTS và miền núi đến nay vẫn là nơi tồn tại “5 nhất”: Địa bàn khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất.

Theo đại diện Ủy ban Dân tộc, hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đang triển khai nhiều dự án quan trọng như: Dự án 1- giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Dự án 2- quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Dự án 3- phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Dự án 4- đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc. Dự án 5- phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Dự án 6- bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Dự án 7- chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Dự án 8- thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Dự án 9- đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm DTTS còn nhiều khó khăn. Dự án 10- truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.

Trà Giang