Print

Du lịch Quảng Trị- Để tiềm năng thành hiện thực

Chủ nhật, 03 /07/2022 09:19

“Đông Hà, Cửa Việt, Khe Sanh/Hiền Lương, Dốc Miếu lừng danh một thời/Thành cổ bom đạn ngút trời/Mùa hè rực lửa muôn đời lưu danh!”- những câu thơ trên đã khắc họa phần nào về tiềm năng du lịch và sự hấp dẫn đối với du khách khi muốn đến Quảng Trị- đến với miền đất giàu chất sử thi của một thời binh lửa.

Là một tỉnh nằm trên trục hành lang kinh tế Đông-Tây, lại có nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng và danh lam thắng cảnh như: Địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương-sông Bến Hải, Cửa Tùng, Cửa Việt, trụ sở làm việc của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ, cầu Đak Rông bắc qua sông Rào Quán nối đường số 9 với đường Trường Sơn- Đại lộ Hồ Chí Minh, sân bay Tà Cơn, Khe Sanh-Làng Vây, nhà tù Lao Bảo.

Địa đạo Vịnh Mốc- điểm tham quan nổi tiếng ở Quảng Trị

Hay như Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Đặc biệt là Thành cổ Quảng Trị- nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt 81 ngày đêm rực lửa anh hùng của lực lượng vũ trang cách mạng với kẻ thù hung bạo nhất trong lịch sử… Cùng với đó là những điểm du lịch sinh thái khá hấp dẫn khác như: Bàu Trạng, Rú Đưng, Mũi Trèo, Trằm Trà Lộc, Thác Tà Puồng, Thác Ba Vòi...

Đây là tiềm năng về du lịch không phải ở đâu cũng có. Chính vì vậy, từ lâu Quảng Trị đã đề ra chiến lược phát triển du lịch khá bài bản, nhất là du lịch sinh thái, du lịch về “chiến trường xưa”. Nhưng, để thực hiện được các mục tiêu đề ra, thì thực sự còn nhiều nan giải bởi “lực bất tòng tâm”.

Điều dễ nhận thấy nhất đó là việc quảng bá du lịch của Quảng Trị chưa có những bước đột phá nhất định, bởi tính chuyên nghiệp chưa cao. Đây chính là một trong những khâu yếu của du lịch Quảng Trị. Cùng với đó là nguồn kinh phí dành cho phát triển du lịch còn hạn hẹp; trong khi đó sự phối hợp giữa ngành du lịch với các ngành, các địa phương- nhất là với Tổng cục Du lịch chưa được chặt chẽ, nên mặc dù nhiều tiềm năng và thế mạnh như vậy, nhưng Quảng Trị chưa có một tour du lịch riêng biệt cho mình.

Thành cổ Quảng Trị- Di tích quốc gia đặc biệt

Ngay cả những du khách trong nước khi muốn đến Quảng Trị- họ đã gõ vào google để tìm hiểu, nhưng tìm mãi cũng chẳng thấy một tour nào đến Quảng Trị. Cô Julia, một du khách người Anh, sau khi đi một vòng dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc đã nói với tôi: “Tuyệt vời quá, có tận mắt nhìn thấy công trình này, mới hiểu được sự vĩ đại và ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam anh hùng”. Julia cho biết, cô rất muốn ở lại Quảng Trị lâu hơn để đi đến những nơi mà cô đã đọc trên sách báo, nhưng rất tiếc là không đủ thời gian vì cô đi theo tour từ Huế ra nên phải phụ thuộc.

Có thể nói, không riêng gì cô Julia, hay những du khách quốc tế khác, mà ngay cả du khách trong nước khi được hỏi cũng đều có chung một câu trả lời rằng: “Họ đến Quảng Trị chỉ là khách “quá giang” hoặc đi theo các tour từ Quảng Bình vào, từ Đà Nẵng và Huế ra tham quan một cách vội vàng để kịp thời gian quay trở lại.

Thực ra, nếu nói Quảng Trị vắng du khách cũng chưa hẳn đã đúng, bởi vì một năm hai lần vào dịp 30/4-1/5 và Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, du khách thập phương đổ dồn về Quảng Trị rất đông, làm cho TP.Đông Hà vốn dĩ đã nhỏ bé lại càng thêm chật chội bởi khách sạn và nhà nghỉ, quán ăn... không đủ đáp ứng một lượng khách lớn. Thế nhưng, hết dịp lễ hội thì đâu lại vào đấy, các khách sạn, nhà hàng vắng khách thế nào, thì các địa điểm tham quan du lịch, điểm di tích lịch sử, văn hóa lại vắng khách thế ấy.

Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn

Để tiềm năng thành hiện thực và từng bước khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ ngoài việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng- nhất là nơi lưu trú, cũng như nhà hàng đạt tiêu chuẩn, ngành du lịch Quảng Trị cần chú ý quảng bá xúc tiến du lịch một cách có hiệu quả, mạnh dạn liên doanh, liên kết với các tổ chức, DN và tận dụng thế mạnh của công nghệ về du lịch trực tuyến...

Trước hết là đăng ký với Tổng cục Du lịch để hình thành các tour mà Quảng Trị có thế mạnh như: Tour Cửa Tùng- Cửa Việt- đảo Cồn Cỏ; tour Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn- cầu Hiền Lương- địa đạo Vịnh Mốc, tour từ Thành cổ lên Khe Sanh-Lao Bảo... Đặc biệt là ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại các địa phương. Việc phát triển du lịch ở Quảng Trị không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế-xã hội, mà thông qua du lịch để vừa giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, vừa quảng bá bản sắc văn hóa của quê hương đến với bạn bè quốc tế và cũng là yếu tố quan trọng để giữ gìn bản sắc văn hóa của quê hương trong phát triển kinh tế-xã hội.

Để làm được điều này, trước hết cần mạnh dạn “lấy du lịch nuôi du lịch”, để từ đó phát triển các dịch vụ “ăn theo”, nhằm góp phần bảo vệ, khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch phong phú và đặc sắc của địa phương, vừa mang đến cho du khách một sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, vừa nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Có như vậy, mới có thể đưa du lịch Quảng Trị trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Quảng Trị lần thứ XVII đã đề ra.

Phan Sáu