Print

Dung dịch nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch

Chủ nhật, 03 /07/2022 10:30

Nuôi dưỡng nhân tạo hoàn toàn qua đường tĩnh mạch (Total Parenteral Nutrition: TPN) là một kỹ thuật y tế thực hiện ở các BV có đầy đủ cơ sở vật chất phù hợp cho việc đưa dung dịch nuôi dưỡng qua đường tiêm truyền và phải được thực hiện bởi các nhân viên y tế đã qua đào tạo đúng quy định.

Nuôi dưỡng người bệnh hoàn toàn qua đường tĩnh mạch được thực hiện bằng cách luồn một ống thông bằng chất dẻo vào một tĩnh mạch lớn, để truyền dung dịch nuôi dưỡng, thường là hỗn hợp gồm nhiều thành phần Acid amin, Protid, Glucid, Lipid, các nguyên tố vi lượng, Vitamin… trong một thể tích hạn chế qua đường tĩnh mạch vào máu đảm bảo được toàn bộ việc nuôi cơ thể. Khi dùng đường truyền, phải dùng một tĩnh mạch lớn có lưu lượng máu lớn để nhanh chóng hoà loãng dung dịch, tránh kích thích nội mạc tĩnh mạch.

Người ta có thể dùng các dung dịch đóng sẵn hoặc dung dịch tổng hợp do khoa dược BV pha chế trong phòng vô khuẩn. Việc sử dụng các sản phẩm nuôi dưỡng nhân tạo qua đường tĩnh mạch chỉ được thực hiện khi có chỉ định của thầy thuốc. Chỉ định dùng các dung dịch TPN chỉ dành cho người bệnh nặng, cần hồi sức trong những ngày đầu có rối loạn tiêu hoá khi cho ăn qua ống thông dạ dày; người bệnh không thể nuôi dưỡng qua ống thông dạ dày như mới phẫu thuật ở đường tiêu hoá trên.

Với một số trường hợp tự tử do uống Acid hoặc kiềm mạnh cũng phải dùng TPN để nuôi dưỡng bệnh nhân. Tại các BV tâm thần cũng phải dùng TPN cho những người mắc tâm thần phân liệt thể không chịu ăn, chán ăn. Với bệnh nhân bị viêm tuỵ cấp, TPN cũng là biện pháp điều trị cần thiết. Tại các BV nhi, TPN được sử dụng cho các trẻ sơ sinh thiếu tháng… Tùy theo từng đối tượng bệnh nhân mà sử dụng các chế phẩm khác nhau theo hướng dẫn, hoặc sử dụng TPN do khoa dược BV pha trộn theo đơn của thầy thuốc chỉ định cho từng bệnh nhân.

Các chế phẩm bán sẵn gồm:

- Các dung dịch Acid amin (thường gọi là đạm) có nhiều loại (5-10%), nhiều tên, đóng chai khác nhau (250-500ml) chai thủy tinh, túi nhựa. Chai đạm có từ 15-20 loại Acid amin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, lượng Nitơ toàn phần từ 6,3-10g/lít. Mỗi loại lại có cách dùng khác nhau.

- Dịch truyền nhũ tương: Có 3 ngăn chứa nhũ tương chất béo 20%; dung dịch Amino acid và chất điện giải 11,3%; dung dịch Glucose 11%.

- Dịch truyền Lipofundin 10% và 20% là một nhũ dịch béo vô trùng, chứa Triglycerid chuỗi dài và chuỗi trung bình với tỷ lệ 1:1, không có chí nhiệt tố, dùng để tiêm truyền. Sản phẩm này thường đóng chai 100ml, 250ml, 500ml. Thành phần có dầu đậu nành, Triglyceride chuỗi trung bình, Phospholipide lòng đỏ trứng, Glycerol và nước. Lipofundin cung cấp năng lượng và Acid béo không no thiết yếu cho những bệnh nhân cần nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.

Các dịch pha trộn tại các khoa dược gồm:

Hiện nay, một số BV có hệ thống pha trộn tự động trong điều kiện đảm bảo theo một số công thức TPN quy định dùng cho từng đối tượng theo đơn của thầy thuốc. Thành phần của các dung dịch TPN này là tổng hợp bao gồm các Acid amin, Aminoplasma, Glucose, Heparin và các dung dịch như KCl, , Calci gluconat, MgSO4… tùy theo từng công thức có tỷ lệ khác nhau.

Chú ý đề phòng phản ứng có hại (ADR):

Thận trọng ở bệnh nhân trong tình trạng nhiễm toan, bệnh gan trầm trọng, bệnh phổi, nhiễm trùng, bệnh lý liên quan đến hệ võng nội mô, thiếu máu, những rối loạn trong sự đông máu hay khi có sự đe dọa tắc nghẽn do mỡ. Truyền quá nhanh nhũ dịch béo có thể gây ra sự tăng thể tích và chất béo quá mức do pha loãng đột ngột với huyết tương của cơ thể, sự thặng dư nước, tình trạng sung huyết, phù phổi, suy giảm chức năng trao đổi khí của phổi.

Không nên dùng cho phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Chú ý theo dõi các tác dụng không mong muốn khi sử dụng TPN cho bệnh nhân. Nếu người bệnh không hợp tác cũng không được sử dụng TPN. Không đặt được ống thông tĩnh mạch trung tâm đối vói các bệnh máu, bệnh huyết khôi, dị dạng tĩnh mạch dưới đòn, tĩnh mạch cảnh. Người bệnh nếu phải dùng TPN cần được giải thích kỹ, ký giấy đồng ý thực hiện kỹ thuật hoặc người nhà ký. Cần thận trọng theo dõi và xử trí biến chứng hằng ngày tình trạng lâm sàng của bệnh nhân như cân nặng, huyết áp, mạch, nhịp thở, nước tiểu… để có hướng xử trí thích hợp khi sử dụng TPN nuôi sống bệnh nhân.

ThS.Lê Quốc Thịnh