Print

Hàn Quốc: Nhân viên văn phòng “bám trụ” cửa hàng tiện lợi khi lạm phát tăng cao

Thứ Ba, 05 /07/2022 12:34

Lạm phát ở Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm trở lại đây. Là một nhân viên văn phòng, Park Mi-won chưa bao giờ mua cơm hộp ở cửa hàng tiện lợi, cho đến khi bữa trưa kiểu tự chọn yêu thích của cô gần đây tăng giá hơn 10% lên 9.000 won/phần: "Sau khi cân nhắc, tôi đến cửa hàng tiện lợi, đồ ăn ở đó giá cả hợp lý trong khi chất lượng cũng không phải tệ. Bây giờ, tôi đến đó 2 đến 3 lần một tuần".

Theo thông tin từ LHQ, giá lương thực toàn cầu đã tăng 23% vào tháng trước. Một trong những nguyên nhân chính là cuộc chiến Nga-Ukraine đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp ngũ cốc toàn cầu, đồng thời, khiến giá năng lượng, phân bón tăng cao. Tại Hàn Quốc, giá lương thực tăng đã thiết lập mặt bằng giá mới tại các nhà hàng, tiệm ăn; trung bình, các món ăn tăng 7,4% so cùng kỳ năm trước, được ghi nhận là tốc độ tăng nhanh nhất trong 24 năm trở lại đây. “Nguy” của bên này, có khi lại trở thành “cơ” của bên kia và các cửa hàng tiện lợi lại ăn nên làm ra vì ngày càng nhiều NLĐ nói chung, nhân viên văn phòng nói riêng, tìm đến với nỗ lực cắt giảm chi tiêu ngân sách cá nhân và gia đình.

Nhân viên văn phòng đang chọn cơm hộp tại một cửa hàng tiện lợi ở Seoul, Hàn Quốc

Cung cấp mì ăn liền, bánh mì sandwich và gimbap (cơm cuộn truyền thống của Hàn Quốc) với giá dưới 5 USD/phần, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 tăng hơn 30% doanh số bán phần ăn/cơm hộp trong tháng 1- 5/2022 so với một năm trước. Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng, GS25 vừa tung ra dịch vụ giới thiệu bữa ăn trưa cho nhân viên văn phòng, đi kèm với mã giảm giá và giao hàng trực tiếp tận nơi. Các chuỗi CU và 7-Eleven cũng ghi nhận doanh số tăng tương tự, còn Emart24 cho biết, doanh số bán cơm hộp vào buổi trưa tăng 50% ở các khu vực có nhiều khối văn phòng. Trong đó, các bữa trưa yêu thích nhất theo thống kê là galbitang (cơm thịt bò hầm) tăng 12,2% và nengmyun (mì lạnh) tăng 8,1%.

Mặc dù bữa trưa ở cửa hàng tiện lợi không tránh khỏi tình trạng tăng giá do lạm phát, song mức giá tổng thể thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung làm cho nó trở thành lựa chọn của nhiều NLĐ. Ví dụ, ở Thủ đô Seoul, giá nengmyun (mì lạnh) tại cửa tiệm, nhà hàng gần đây đã vượt ngưỡng 10.000 won/phần, thì mì ramen ăn liền ở cửa hàng tiện lợi vẫn chỉ hơn 1.000 won/phần. Căn cứ dự báo của LHQ về sản lượng nông sản thế giới, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính, mỗi lần tăng giá 1% đối với nông sản nhập khẩu sẽ đẩy giá thực phẩm chế biến tăng 0,36% trong năm tới và giá nhà hàng tăng 0,14% trong 3 năm tới. Một số chủ tiệm ăn, nhà hàng cho rằng, thực khách nên chuẩn bị tinh thần đón nhận mặt bằng giá mới theo chiều hướng tăng trong thời gian tới. Ông Lee Sang-jae, người điều hành một nhà hàng galbitang (cơm thịt bò hầm) ở một quận trung tâm Seoul, ngậm ngùi chia sẻ doanh nghiệp của ông đã bắt buộc phải tăng giá 2 lần trong năm nay, từ 10.000 won lên 12.000 won/phần: "Đây là một nỗ lực rất lớn của chúng tôi, chúng tôi chấp nhận giảm bớt một phần lợi nhuận để hạn chế tăng giá, vì NLĐ cũng rất khó khăn trong quãng thời gian này".

Trong một cuộc khảo sát của Incruit vào tháng trước, 96% trong số 1.004 nhân viên văn phòng tham gia khảo sát cho biết, họ bị áp lực bởi bữa trưa đột nhiên tăng giá quá cao. Trong số đó, gần một nửa đang tìm cách cắt giảm chi tiêu cho bữa trưa. Thế nhưng ở Hàn Quốc, giờ ăn trưa được coi là thiêng liêng đối với nhân viên văn phòng, là thời gian để họ giao lưu với bạn bè và đồng nghiệp do công việc bình thường quá bận rộn. Anh Ku Dong-hyun, 28 tuổi, đang lựa gimbap (cơm cuộn) và mì ramen tại GS25 cho biết: “Thức ăn ở cửa hàng tiện lợi rẻ hơn nhiều so với việc đi ăn nhà hàng nhưng nhược điểm là chúng tôi không thể ngồi ăn trưa lâu ở đây. Không gian của cửa hàng tiện lợi cũng không thích hợp để tụ tập đồng nghiệp, bạn bè”.

Về phía các nhà kinh tế, họ cảnh báo áp lực kéo dài về giá cả sẽ tiếp tục “đè nặng” lên người tiêu dùng. Ông Lee Seung-hoon, nhà kinh tế học thuộc Meritz Securities, cho biết: “Sức mua thực sự đang giảm xuống trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao. Khi giá tiêu dùng cao, lại kéo dài và lâu hơn, sẽ bắt đầu đè nặng lên tiêu dùng tư nhân. Nếu điều đó xảy ra, cùng với các điều kiện bên ngoài xấu đi đối với xuất khẩu, sẽ đặt ra câu hỏi về việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương mà chúng ta đang thấy hiện nay".

Tùng Anh (Theo Koreanbo)