Print

Khai mạc Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ Hai, 11 /07/2022 11:38

Sáng 11/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 13. Theo kế hoạch, Phiên họp diễn ra trong 1,5 ngày.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có đánh giá kết quả Kỳ họp thứ ba trên cơ sở báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội và tổng hợp ý kiến các vị đại biểu của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Đồng thời, cho ý kiến bước đầu về Kỳ họp thứ tư dự kiến khai mạc vào tháng 10- đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, mà trọng tâm là công tác lập pháp...

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến và thông qua dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu; xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; cho ý kiến về Báo cáo kết quả khảo sát tiến độ xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông; xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 6/2022; xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội.

Sau Phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6 năm 2022. Theo báo cáo, cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ ba và cho rằng Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, thể hiện ở chất lượng, nội dung của Kỳ họp; thể hiện rõ sự đổi mới trong xây dựng một Quốc hội “Trí tuệ- Đoàn kết- Đổi mới- Trách nhiệm”, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Đồng thời, Quốc hội đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc giúp người dân và DN giảm bớt khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cử tri cũng đặc biệt quan tâm theo dõi và đánh giá cao hoạt động chất vấn của Quốc hội về 4 nhóm vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân và phục hồi, phát triển kinh tế đất nước. Qua chất vấn, Chính phủ và thành viên của Chính phủ đã giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình, cử tri đánh giá cao việc Quốc hội yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu, thiết kế lại môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh; kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa; có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở miền núi, vùng đồng bào DTTS; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.

Cử tri và nhân dân hết sức quan tâm lo lắng về tình trạng giá xăng dầu vẫn ở mức cao, đã kéo theo nhiều giá dịch vụ, hàng hóa khác tăng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân; tình trạng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các trang mạng xã hội về các loại thuốc, thực phẩm chức năng... không đúng như chất lượng của sản phẩm, gây thiệt hại về sức khỏe, tiền bạc của người dân. Tình trạng chậm trả căn cước công dân gắn chip cho người dân vẫn còn ở một số nơi. Việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng tại một số đô thị, khu dân cư nhưng không đồng bộ với các quy hoạch khác đã được phê duyệt trước đó, gây quá tải hạ tầng giao thông, thiếu trường học, nhà trẻ, giảm tiện ích tại một số dự án...

Đáng chú ý, cử tri và nhân dân còn lo lắng về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để KCB cho người dân; tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp có xu hướng lan rộng, tăng cả về số ca mắc và số ca tử vong; sự xâm nhập của biến chủng BA.5, BA.4 của Omicron. Tình hình biến đổi khí hậu dẫn đến diễn biến thời tiết bất thường gây mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt… khiến người dân bị thiệt hại nặng nề.

Vũ Thu