Print

Một thoáng Champasak

Thứ Sáu, 22 /07/2022 15:36

Sáng nay (22/7), chúng tôi tiếp tục theo chân các bác sĩ, nhân viên y tế thuộc Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM đến hội trường bản Nongkok, thuộc huyện Ba Chiêng (Bachiang), trong hành trình KCB, phát thuốc giúp người dân tỉnh Champasak của nước bạn Lào.

Từ chuyện BHYT...

Huyện Ba Chiêng và huyện Phôn Thong (đã khám bệnh, phát thuốc hôm qua 21/7) đều giáp với Thái Lan, nên các bản trong huyện khá khó khăn trong vấn đề tiếp cận y tế. Sáng nay, khi đoàn đến, hội trường bản Nongkok đã có gần 200 người chờ sẵn. Chiều qua, tại chùa Bàn Nón Hay Khộc cũng vậy.

Người dân bản Nongkok chờ sẵn để được khám bệnh, phát thuốc

Các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, dược sĩ rất nhanh ai vào việc nấy. Mỗi thầy thuốc Việt lại có một tình nguyện viên Lào biết tiếng Việt (người dân, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Champasak...) làm thông dịch. Bà con ở bản Nongkok với nhiều độ tuổi, đều được các bác sĩ thăm khám cẩn thận, chẩn bệnh, kê toa và phát thuốc.

Khám cho một em bé bản Nongkok

Hơn 11h, hoạt động khám bệnh, phát thuốc khép lại. Đoàn dùng bữa trưa tại chỗ với cơm hộp tiện lợi. Trong bữa ăn, chúng tôi có dịp trò chuyện với BS.Khamsavath Manivong- đang công tác tại BV tỉnh Champasak và hỗ trợ đoàn KCB trong suốt thời gian hoạt động tại đây. Theo BS.Khamsavath, công dân Lào đều thụ hưởng BHYT khi KCB chỉ với quyển sổ gia đình và 30.000 kíp (khoảng 50.000 đồng Việt Nam).

BS.Khamsavath (phải) và phóng viên Tạp chí BHXH

Thấy chúng tôi ngơ ngác chưa hiểu, BS.Khamsavath bèn giải thích: "Mỗi lần đến BV để KCB, người dân Lào chỉ cần chìa sổ gia đình và đóng 30.000 kíp, phía BV sẽ cấp ngay thẻ BHYT. Sau quá trình KCB, bất kể ngoại trú hay nội trú, bất kể tổng viện phí bao nhiêu, bệnh nhân khi xuất viện chỉ cần trình thẻ BHYT (BV thu lại) là xong, không phải đóng thêm đồng kíp nào nữa".

Xe tự chế rất phổ biến ở Lào vì chở được nhiều vật dụng và người

Với người dân Lào, nếu khó khăn không có 30.000 kíp để đóng, phải có giấy xác nhận từ chính quyền địa phương. Khi đó, họ sẽ được KCB hoàn toàn miễn phí và còn được cấp thêm 50.000 kíp mỗi ngày để ăn uống. Riêng với cán bộ, công chức, viên chức Lào khi đi KCB sẽ được BHYT chi trả hoàn toàn, không phải đóng 30.000 kíp ban đầu nữa.

Lào quy định chế độ BHYT riêng cho người dân, cũng như công chức, viên chức

Với BHXH, cán bộ, công chức, viên chức Lào cũng bị trừ lương mỗi tháng để hết tuổi lao động có lương hưu, trung bình từ 1,2 triệu đến 2 triệu kíp mỗi tháng (tính tại thời điểm này). Người dân cũng tham gia BHXH tự nguyện, đóng 30.000 kíp mỗi tháng, song không có lương hưu mà chỉ có tiền tử tuất khoảng 15 triệu kíp, hoặc tiền hỗ trợ phục hồi khi bị tai nạn... Hiện, nước bạn Lào có khoảng 8 triệu dân và BS.Khamsavath nói cỡ 1/2 dân số đã tham gia BHXH tự nguyện.

Khoảng 1/2 dân số Lào đã tham gia BHXH tự nguyện

Vị bác sĩ “thổ địa” còn thông tin thêm, những địa phương vùng sâu, vùng xa- như các bản mà đoàn y bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM đến hỗ trợ- rất khó tiếp cận y tế, cũng như khó tiếp cận BHXH tự nguyện. Nguyên nhân là do việc đóng tiền mỗi tháng không dễ dàng, cả với chuyện thu nhập lẫn chuyện đi đứng, di chuyển. Nói theo kiểu Việt Nam, đây là những “vùng trũng” về y tế, cũng như về an sinh xã hội ở nước bạn Lào.

Các thành viên của Đoàn và tình nguyện viên chuẩn bị thuốc cho người dân

Bởi vậy, sự hiện diện vào tháng 7 mỗi năm (từ năm 2006 đến nay) của các bác sĩ, nhân viên y tế thuộc Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM, luôn mang nhiều niềm vui đến với bà con các bản thuộc tỉnh Champasak, địa phương kết nghĩa với TP.HCM lâu nay. Hỗ trợ đoàn KCB từ Việt Nam sang còn có bạn Thắng, tên Lào là Xayxana Keovilaysy. Thắng đang công tác ở Tỉnh đoàn Champasak và từng học ở TP.HCM nên nói tiếng Việt khá sõi.

Đến chuyện nhịp sống... rất chậm

Hôm qua, trước khi bắt đầu buổi KCB chiều, Thắng tranh thủ đưa cả đoàn tham quan chợ Champasak, mà người Việt sống tại đây, kể cả du khách Việt ghé thăm Champasak, đều gọi là chợ Đào Hương (theo tên bà chủ chợ là người Việt). Trong khi một số người tham quan chợ, thì số khác trong đoàn phải lo đổi tiền Việt sang tiền Lào để tiện chi tiêu (1,5 triệu tiền Việt tương đương 1 triệu tiền Lào).

Chợ Đào Hương với đủ loại hàng hóa

Đây là ngôi chợ lớn nhất tỉnh Champasak, với khoảng 40% đến 50% tiểu thương là người Việt, hoặc người Lào gốc Việt tham gia kinh doanh. Hầu như hàng hóa gì cũng có tại chợ này và được chia theo từng khu. Ở khu bán vàng có cỡ 50 tiệm san sát nhau. Ở khu bán thịt heo, bò cũng cỡ 60 quầy liền kề nhau. Ở khu bán vải trông rất lạ khi từng tiểu thương ngồi lọt thỏm trong “lâu đài vải” của mình.

Các tiểu thương ngồi lọt thỏm trong “lâu đài vải” của mình

Hầu hết tiểu thương đều ngồi đấy và lướt điện thoại, hoặc lơ đãng nhìn khoảng không nào đấy mà không cần chào mời, chèo kéo khách. Khách thích thì ghé, không thích thì thôi. Nhưng khi khách ghé thì tiểu thương nào cũng niềm nở, nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ và vui vẻ. Chợ Champasak to hơn chợ Bình Tây ở TP.HCM, tiểu thương hình như cũng nhiều hơn nhưng dạo hơn 30 phút vẫn chưa nghe tiếng cãi lộn, hoặc nói to, dù hoạt động buôn bán vẫn đông đúc bình thường.

Bảng quy định giờ hành chính ở Lào

Thắng còn nói với chúng tôi, giờ hành chính ở Lào bắt đầu từ 8h30, kết thúc lúc 3h30 chiều. Có lẽ nhịp sống rất chậm ở Lào nói chung, ở Champasak nói riêng, không chỉ thấm vào giới công chức, viên chức, mà cả ngôi chợ to nhất Champasak với tất cả tiểu thương trong ấy, cũng bị thấm đẫm. Chắc chắn những ai lần đầu đến chợ Champasak, hay còn gọi là chợ Đào Hương, sẽ nhận ra ngay nét khác biệt này, nếu so với những ngôi chợ ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tiểu thương Lê Nhung từ Huế sang chợ Champasak mua bán nhiều năm qua

Đang loanh quanh trong khu bán đồ điện tử, chúng tôi nghe giọng nữ: “Mới ở Việt Nam sang à!”. Đó là chị Lê Nhung, tiểu thương có quầy mua bán đồ điện tử nho nhỏ. Gia đình chị rời quê nhà ở Huế sang đây đã lâu. Con gái và con rể đều là người Lào gốc Việt. Con gái của chị Nhung cũng bán đồ điện tử, nhưng ở chợ khác nhỏ hơn. “Quầy này mình thuê mỗi năm đóng 30 triệu kíp. Buôn bán cũng sống ổn”- chị Nhung chia sẻ.

TP.Bakse- tỉnh lỵ Champasak lúc 6 giờ sáng rất vắng vẻ

Cách đây hơn 10 năm, gia đình chị Nhung mua được ngôi nhà cạnh chợ Đào Hương này, ngang 12m, dài hơn 22m, giá gần 2,5 tỷ đồng Việt Nam. “Rộng rãi nên cả nhà cùng sống quây quần một chỗ. Đến thời điểm này nhà đất cũng lên rồi. Ngôi nhà của mình chắc cũng lên giá gấp đôi rồi”- chị Nhung chia sẻ với nụ cười vui vẻ. Mỗi năm, gia đình chị Nhung về thăm quê ở Huế 2 lần. “Mình vẫn người Việt mà, chỉ sống tại Lào thôi, phải về quê hương chớ...”- chị Nhung chia sẻ.

... và ẩm thực ngon giá mềm

Ngay tại TP.Bakse, tỉnh lỵ Champasak, trong một tiệm cơm chính hiệu Lào (ăn cơm nếp chứ không ăn cơm gạo), du khách có thể dùng bữa no hết cỡ với 3-4 món ngon, tính ra chưa tới 90 nghìn đồng Việt Nam. Còn phục vụ dân địa phương, quán này đóng túi nilon thức ăn và bán mang về đồng giá 10.000 kíp một túi. Với túi thức ăn này, mua thêm túi cơm nếp nữa là có bữa trưa no nê, nhưng tính ra cũng chỉ tầm 25.000 đồng Việt Nam.

Một tiệm cơm ở TP.Bakse

Ai lần đầu đến Champasak cũng phải ồ lên ngạc nhiên với món lẩu nướng chỉ có tại Lào. Trên bếp than hồng, một chiếc vỉ nhôm như chiếc xửng ở Việt Nam, nhưng bên trong nhô cao như thể úp gáo dừa lên. Trên phần nhô cao ấy có xẻ nhiều kẽ hở để hơi than bốc lên. Sau khi chế nước dùng lên vỉ nhôm, người dùng sẽ có nhiều rau sống, thịt tươi, tôm tươi, trứng tươi và nước sốt để dùng. Thịt, tôm, gan... thì để trên phần vỉ nhô cao để nước, còn rau, trứng, nấm... thì cho vào nước để làm lẩu.

Ẩm thực Lào hấp dẫn nhiều du khách

Mùi thơm của thịt nước, rồi mỡ nướng tràn ra nhỏ xuống nước lẩu... khiến thực khách khó kiềm lòng. Đặc biệt là món sốt tương đậu phộng đính kèm ớt bầm, chanh và tỏi bầm để thực khách tự pha chế. Thịt nướng thơm lựng chấm với nước sốt khiến ai cũng cảm thấy thích thú. Mỗi suất lẩu nướng cỡ 4 người ăn cỡ 200.000 kíp, gọi thêm thì tính tiền thêm... Bia Lào (bia chai 450ml) chỉ 5% cồn, uống nhẹ và dịu ngon, với giá khoảng 18.000 đồng Việt Nam. Ngoài ra, ở Lào còn đặc sản khô bò rất nổi tiếng, để có thể nhâm nhi với bia Lào, tạo nên nét ẩm thực hấp dẫn du khách đến với xứ Triệu Voi nói chung và tỉnh Champasak nói riêng.

Đỗ Bá